Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh làm việc với trụ trì chùa Am về công tác phòng chống cháy nổ.
Đức Thọ hiện có 3 ngôi chùa lớn được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh gồm: Chùa Am, chùa Đá và chùa Quả... Mỗi dịp tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân, các cơ sở thờ tự thường tổ chức nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, thu hút số lượng người dân, du khách tham gia hành lễ, chiêm bái. Điều này khiến nguy cơ cháy nổ do hoạt động thắp hương, đốt vàng mã tăng cao.
Chùa Am thuộc xã Hòa Lạc, có niên đại hàng trăm năm, nơi thờ Hoàng thái hậu Trần Thị Ngọc Hào, vợ của vua Trần Duệ Tông. Hiện chùa có một điện chính 5 gian được xây dựng bằng gỗ lim, 4 nhà tự mỗi nhà 5 gian đều được xây dựng bằng gỗ. Ngoài ra, trong khuôn viên của chùa còn có nhà bếp, nhà đón tiếp, nhà cho nhà sư trụ trì và các phật tử trông coi chùa. Do địa hình chùa Am nằm ở lưng chừng núi nên nếu không làm tốt công tác phòng cháy thì khi có sự cố, công tác chữa cháy sẽ gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng chức năng hướng dẫn trụ trì và người phụ trách hương đèn sử dụng bình cứu hỏa khi có sự cố cháy nổ xẩy ra...
Đại úy Nguyễn Văn Hoàng - cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cho biết: "Vào dịp tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân, chùa Am đón tiếp hàng ngàn lượt khách trên địa bàn huyện và khách thập phương đến làm lễ, cúng bái. Hiện nay, trong chùa có 6 bình chữa cháy thì có 4 bình đã hư hỏng và quá hạn sử dụng; 2 bình mới được trang bị do không biết bảo quản nên bột phòng cháy trong bình đã vón cục.
Tại các khu vực chính điện và nhà tự không có tiêu lệnh chữa cháy, không có biển bảng cảnh báo cháy nổ, nhà chùa không có hồ sơ PCCC... Nếu không may cháy nổ xẩy ra thì công tác chữa cháy tại chỗ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ thiệt hại lớn".
Lực lượng chức năng khuyến cáo không được cho thắp hương trong chùa, hạn chế mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ.
Ông Trần Ngọc Thái, phụ trách hương đèn ở chùa Am thừa nhận công tác PCCC tại đây chưa được chú trọng, còn chủ quan. Sau khi được cơ quan chức năng nhắc nhở, chùa sẽ khắc phục, bổ sung các thiết bị PCCC, lắp đặt biển cảnh báo hỏa hoạn tại các khu vực thắp hương, đốt vàng mã... Tuy nhiên, bên cạnh trách nhiệm của Ban Quản lý chùa Am thì chính quyền xã Hòa Lạc và lực lượng chức năng cũng chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC. Tới đây, cùng với các giải pháp khắc phục từ chùa, Công an xã Hòa Lạc sẽ tiến hành xây dựng hồ sơ PCCC tại nhà chùa, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền nhà chùa thực hiện tốt công tác PCCC, phòng chống cháy nổ, chuẩn bị cho các hoạt động tại chùa vào dịp tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân.
Lực lượng chức năng yêu cầu trụ trì chùa Đá xử lý gọn hệ thống dây điện nhằm đảm bảo không xẩy ra chập điện dẫn đến cháy nổ.
Tại chùa Đá (xã Tùng Ảnh), chùa Quả (thị trấn) Đức Thọ, công tác phòng chống cháy nổ cũng chưa được chú trọng. Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, trụ trì và người phụ trách hương đèn tại đây chưa nắm được các nội quy PCCC; trong khuôn viên nhà chùa không có tiêu lệnh chữa cháy, không có biển cảnh báo cháy nổ, không có biển cấm thắp hương, đốt vàng mã ở những nơi không đúng quy đinh; bình chữa cháy được trang bị sơ sài (mỗi chùa chỉ có 2 bình chữa cháy), hệ thống dây điện chằng chịt, không có ống gel để thu dây...
Lực lượng chức năng yêu cầu nhà chùa loại bỏ những bình chữa cháy đã hư hỏng và hết hạn sử dụng, đồng thời trang bị hệ thống bình chữa cháy mới để sử dụng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Thọ có hàng chục cơ sở thờ tự, vào các dịp lễ, tết có thể đón hàng nghìn người dân và khách thập phương đến cúng lễ. Để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, việc nâng cao công tác PCCC ở các cơ sở hết sức bức thiết. Các địa phương, ban quản lý các cơ sở thờ tự, chùa, di tích cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức PCCC, phòng chống cháy nổ. Ban quản lý các di tích thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCC&CNCH; bố trí lực lượng túc trực 24/24 nhằm ứng phó kịp thời khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra.
Cùng với việc chủ động các phương án về PCCC&CNCH, các di tích, nhà chùa cần quy định hạn chế đốt vàng mã; bố trí các điểm thắp hương phù hợp tại các cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó, khi thắp hương, hành lễ tại các đền, chùa, người dân phải nêu cao ý thức PCCC, góp phần bảo vệ các giá trị văn hóa, tài sản cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và mọi người.
Để đảm bảo an toàn PCCC, yêu cầu các lực lượng chức năng tại các địa phương, nhất là công an xã khẩn trương thành lập các tổ công tác tiến hành kiểm tra các thiết bị PCCC, lối thoát hiểm, cách sắp xếp, bố trí tài sản, phương tiện, hệ thống đường dây điện, cách sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tại các nơi thắp hương, hóa vàng mã...
Ngoài việc trang bị các phương tiện PCCC thiết yếu, cần tăng cường kiểm tra an toàn các thiết bị điện, khu vực hành lễ. Ban quản lý các di tích, nhà chùa trên địa bàn cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức về PCCC khi tham gia hành lễ tại các cơ sở thờ tự.