Đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban an toàn giao thông (ATGT) tỉnh vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hà Tĩnh về công tác tuần tra kiểm soát, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn.
Đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh (thứ 2 từ phải qua) trong chuyến kiểm tra công tác đảm bảo ATGT trên quốc lộ 8.
P.V: Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn được lực lượng Công an Hà Tĩnh triển khai như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
Đại tá Đặng Hoài Sơn: Trong những năm qua, công tác đảm bảo trật tự ATGT luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhằm từng bước tạo dựng ý thức, thói quen và xây dựng văn hóa của người tham gia giao thông, hướng tới kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT).
Qua theo dõi tình hình trật tự ATGT, xác định một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT là việc người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn nên Bộ Công an yêu cầu tập trung xử lý nghiêm vi phạm.
Lực lượng CSGT Công an Hà Tĩnh tăng cường kiểm tra, xử lý người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, thời gian qua, Công an Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương, trong đó, chủ chốt là lực lượng CSGT tập trung nhân lực, phương tiện, thiết bị tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn. Lực lượng CSGT xác định, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Trong năm 2023, có 35.748 trường hợp vi phạm trật tự ATGT bị lực lượng CSGT phát hiện, xử phạt; trong đó có 3.972 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền gần 11 tỷ đồng.
P.V: Thời gian trước tết Nguyên đán Giáp Thìn, việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn được thực hiện ra sao, thưa ông?
Đại tá Đặng Hoài Sơn: Thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT, kéo giảm TNGT trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội xuân 2024, từ 15/12/2023, CSGT 2 cấp phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương tiếp tục tập trung cao độ xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT là nguyên nhân dẫn tới TNGT, trong đó có vi phạm nồng độ cồn.
Căn cứ theo đặc điểm tình hình, địa bàn phụ trách, thời gian qua, Phòng CSGT và CSGT các địa phương triển khai lập các chốt kiểm tra và cử lực lượng tuần tra lưu động trên tất cả các tuyến đường vào nhiều khung giờ khác nhau để xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Các trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý nghiêm.
Tính từ ngày 15/12/2023 tới nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh lập biên bản xử lý 1.662 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Ngoài xử lý hành chính, trường hợp là cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn, CSGT còn gửi thông báo về đơn vị công tác để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, cơ quan.
Song song với việc cương quyết xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, CSGT và công an các địa phương cũng tới tận từng quán hàng, địa điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí và sử dụng loa truyền thanh từng thôn, tổ dân phố để tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành pháp luật về ATGT, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống bia rượu.
P.V: Ông đánh giá thế nào về chuyển biến của người dân khi CSGT “mạnh tay” xử lý vi phạm nồng độ cồn?
Đại tá Đặng Hoài Sơn: Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn thực sự đã tạo ra nhiều chuyển biến trong suy nghĩ cũng như thói quen của Nhân dân. Qua việc kiểm tra, vẫn phát hiện các trường hợp vi phạm nồng độ cồn nhưng đã có xu hướng giảm dần.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Xuyên khởi tố, bắt tạm giam Phan Thị Ngọc Minh - nữ tài xế sử dụng bia rượu nhưng vẫn điều khiển ô tô tông chết người vào rạng sáng 14/1 trên quốc lộ 1 qua xã Cẩm Quang.
Tuy vậy, còn tình trạng một bộ phận người dân chưa có ý thức cao trong chấp hành pháp luật ATGT, vẫn điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia. Trên thực tế, đã xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan tới vi phạm nồng độ cồn như vụ 2 thanh niên tử tông vào xe tải ở TX Kỳ Anh hay vụ nữ tài xế gây tai nạn chết người ở Cẩm Xuyên.
P.V: Nói như vậy, nghĩa là lực lượng CSGT sẽ kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn “xuyên tết” phải không, thưa ông?
Đại tá Đặng Hoài Sơn: Đó là điều chắc chắn. Lực lượng CSGT Công an Hà Tĩnh đã xác định việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn “xuyên tết”.
CSGT Công an Hà Tĩnh sẽ xử lý vi phạm nồng độ cồn “xuyên tết”.
Việc lực lượng CSGT tăng cường xử lý nồng độ với mong muốn hình thành thói quen cho người dân “đã uống rượu bia, không lái xe”, vì an toàn của mọi người, mọi nhà, góp phần kiềm chế, kéo giảm bền vững TNGT.
Tôi tin chắc rằng, với sự nỗ lực của CSGT nói riêng và toàn lực lượng Công an Hà Tĩnh nói chung, ý thức chấp hành pháp luật ATGT của người dân sẽ dần được nâng cao, nhất là không điều khiển phương tiện sau khi đã uống bia rượu.
P.V: Xin cảm ơn ông!