Khuya 1/10, anh N.P.C. (SN 1988, trú xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên) điều khiển xe mô tô mang biển số Hà Tĩnh di chuyển trên quốc lộ 1 theo hướng Nam – Bắc để trở về nhà. Khi di chuyển tới khu vực cầu Trung ở Km 531+290 quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, xe mô tô của anh C. đã tông vào hệ thống rào chắn, biển báo phục vụ thi công sửa chữa cầu. Vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến anh C. tử vong, xe mô tô bị hư hỏng.
Dù theo xác định ban đầu của cơ quan công an, thời điểm xảy ra vụ TNGT, trời có mưa khá lớn và bản thân anh C. đã sử dụng bia rượu (xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu) nhưng công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) khi thi công sửa chữa cầu Trung cũng là điều đáng bàn.
Thượng tá Trần Xuân Sinh – Phó phòng CSGT Công an tỉnh thông tin, lúc xảy ra vụ TNGT, khu vực thi công sửa chữa cầu Trung dù có bố trí rào chắn, cọc tiêu, biển báo nhưng vẫn còn sơ sài khiến người đi đường khó quan sát từ xa, nhất là về ban đêm và trong thời tiết mưa gió, dẫn tới mất ATGT. Do đó, việc bổ sung hệ thống biển báo hiệu, rào chắn, cọc tiêu và đèn chiếu sáng, đèn cảnh báo ban đêm để người dân từ xa có thể nhận biết khu vực thi công là điều rất cần thiết, góp phần hạn chế tối đa các vụ việc không mong muốn.
Quốc lộ 1 qua Hà Tĩnh dài 130 km, điểm đầu từ cầu Bến Thủy và điểm cuối ở Đèo Ngang. Trải qua thời gian dài khai thác với lưu lượng phương tiện ngày càng gia tăng và tác động từ thời tiết mưa nắng, nhiều đoạn tuyến trên quốc lộ 1 – tuyến giao thông huyết mạch nhất ở Hà Tĩnh, không tránh khỏi việc bị hư hỏng, bong tróc, xuống cấp, gây mất an toàn giao thông.
Thời gian qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ (QLĐB) II – đơn vị trực tiếp quản lý, bảo trì, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông tuyến quốc lộ 1 ở Hà Tĩnh yêu cầu các hạt quản lý đường bộ và đơn vị đường bộ thực công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên tăng cường việc rà soát, kịp thời khắc phục hư hỏng, đồng thời triển khai các dự án sửa chữa định kỳ.
Việc triển khai các dự án khắc phục, sửa chữa hư hỏng trên quốc lộ 1 qua Hà Tĩnh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, do đây là tuyến giao thông huyết mạch với mật động phương tiện lưu thông đông, dọc hai bên tuyến có đông dân cư sinh sống, vì thế, giải pháp thi công đảm bảo ATGT, hướng dẫn và phân luồng giao thông phải được đặt lên hàng đầu.
Thời gian này, trên tuyến quốc lộ 1 qua Hà Tĩnh đang triển khai một số dự án sửa chữa cầu, đường. Riêng với dự án sửa chữa cầu, ngoài cầu Trung nêu trên, còn có cầu Sông Trí, cầu Ngấy, cầu Đá Bàn, cầu Cổ Ngựa và cầu Thầu Dầu ở địa bàn TX Kỳ Anh. Các cầu này do Công ty cổ phần 379 Việt Nam đảm nhận thi công và Công ty cổ phần Tư vấn Trường Phát là đơn vị tư vấn giám sát.
Đại tá Đặng Hoài Sơn – Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh nhìn nhận, hiện nay, Hà Tĩnh đã bước vào mùa mưa, thời tiết không thuận lợi nên cùng với việc đảm bảo tiến độ công trình, công tác đảm bảo ATGT, an toàn lao động khi thi công sửa chữa cầu, đường cần phải được chú trọng hơn nữa.
“Nhà thầu, tư vấn giám sát và cơ quan quản lý tuyến cần bám nắm tình hình thời tiết, nhất là vào thời điểm mưa gió để xem hệ thống đảm bảo ATGT ở các vị trí thi công đã đủ an toàn hay chưa. Trường hợp thấy chưa an toàn cần bổ sung ngay để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại” - Đại tá Đặng Hoài Sơn cho hay.
Phó Giám đốc Khu QLĐB II Nguyễn Đức Dũng đánh giá: Công tác đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thực hiện công tác bảo trì đường bộ và đảm bảo ATGT khi thi công trên đường đang khai thác rất quan trọng, được quy định rõ trong hợp đồng, thông báo duyệt biện pháp tổ chức thi công, thỏa thuận thi công...
Tuy nhiên, qua theo dõi thực tế hiện trường, phản ánh của địa phương và người tham gia giao thông, một số nhà thầu thi công vẫn chưa thực hiện hết trách nhiệm của đơn vị khi triển khai công tác bảo trì đường bộ, một số đơn vị tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát và Văn phòng QLĐB chưa quyết liệt kiểm tra, giám sát, xử lý việc tuân thủ quy định hiện hành về an toàn trên đường đang khai thác.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, trước thực tế này, đơn vị đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan, trước, trong và khi chưa hoàn thiện toàn bộ hạng mục của công trình cần bố trí đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, barie, rào chắn, người cảnh giới, đèn tín hiệu... theo quy định.
Phải chịu trách nhiệm đảm bảo ATGT, thông suốt 24/24h trong suốt quá trình thi công cho đến khi hoàn thành toàn bộ hạng mục của công trình, thực hiện đúng theo hợp đồng, biện pháp tổ chức thi công được duyệt, thỏa thuận thi công.
Văn phòng QLĐB thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đảm bảo ATGT, an toàn lao động của các nhà thầu thi công và kiên quyết xử lý, đình chỉ thi công khi nhà thầu vi phạm.