Hơn 300 cán bộ, công chức từ huyện đến xã cùng dự
Tại hội nghị tập huấn, hơn 300 cán bộ, trưởng, phó phòng và chuyên viên phụ trách công tác xã hội phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố, thị xã và công chức cấp xã phụ trách lĩnh vực LĐ-TB&XH được đại diện Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) truyền đạt một số nội dung mới trong Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH do Bộ LĐ-TB&XH ban hành: “Quy định về xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện”.
Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/03/2019 và thay thế Thông tư liên tịch 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT ngày 28/12/2012.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Toản - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) truyền đạt một số điểm mới của Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Toản, phương pháp xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Người khuyết tật. Cụ thể, Hội đồng quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội quy định tại phiếu xác định mức độ khuyết tật ban hành kèm theo Thông tư này và các phương pháp đơn giản khác để xác định dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người đề nghị, Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm gửi văn bản tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật.
Đồng thời, triệu tập các thành viên, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ; đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật; lập hồ sơ, biên bản kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.
Theo kế hoạch, hội nghị tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện một số văn bản mới về chính sách trợ giúp xã hội được tổ chức trong 2 ngày (12-13/8).