Cập nhật Covid-19: Ấn Độ phá vỡ kỷ lục về số ca mắc mới, cao gấp đôi so với Mỹ

Sáng 30/8, thế giới đã ghi nhận hơn 25,1 triệu ca mắc, trong đó có 845.531 ca tử vong do Covid-19. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới cao gấp đôi Mỹ.

Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 30/8, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 25.141.268 trường hợp, trong đó có 845.531trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 17.497.648 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cập nhật Covid-19: Ấn Độ phá vỡ kỷ lục về số ca mắc mới, cao gấp đôi so với Mỹ

Nhân viên y tế phun dung dịch sát khuẩn lên túi đựng mẫu bệnh phẩm xét nghiệm nCoV tại trạm lưu động ở Foxborough, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AP .

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức cực đoan, đáng lo ngại tại một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.

Số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nơi ở châu Á, trong khi Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc Covid-19.

Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của đại dịch Covid-19với số ca mắc đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico, Colombia... Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc và tử vong vì Covid-19cao thứ hai thế giới.

Danh sách 5 quốc gia đứng đầu bảng thống kê dịch bệnh Covid-19 gồm Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi.

Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ , ghi nhận thêm 39.665 ca mắc vào hôm qua (29/8), nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 6.135.900. Số ca tử vong ở Mỹ do Covid-19 đã lên tới 186.792 sau khi gia tăng các trường hợp mới trong tháng 6 và tháng 7, đặc biệt là ở các điểm nóng như California, Florida và Texas.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sẵn sàng ký một dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1,3 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, khoản tiền này không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân Mỹ.

Tại châu Mỹ Latin, Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19, và là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 33.548 ca mắc và 858 ca tử vong, nâng tổng số lên 3.846.153 ca bệnh và 120.452 ca tử vong. Dịch bệnh cũng đang lây lan mạnh tại Mexico, Peru, Chile .

Nga ghi nhận thêm 4.941 ca mắc và 111 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 985.346 trường hợp, trong đó 17.025 trường hợp tử vong. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Rossiya 24 hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vaccine thứ hai phòng Covid-19 của nước này đã sẵn sàng để ra mắt vào tháng 9, hãng tin Sputnik đưa tin.

Nam Phi ghi nhận thêm 2.419 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên đến 622.551, trong đó có 13.981 ca tử vong.

Còn tại châu Âu , cuộc chiến chống Covid-19 đang trải rộng từ bệnh viện ra khắp các đường phố. Ở giai đoạn bùng phát ban đầu, các nhân viên y tế nằm ở tuyến đầu của cuộc chiến này.

Giờ đây, khi các nước châu Âu tìm cách tránh làn sóng thứ 2 kéo dài, chính phủ các nước đã phải huy động cả cảnh sát xuống đường phố. Một số quốc gia châu Âu đã chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm kỷ lục. Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đã chứng kiến số ca mắc mới tăng đột biến.

Hy Lạp và Croatia, phần lớn không bị ảnh hưởng bởi làn sóng đầu tiên, cũng đã chứng kiến số ca mắc tăng mạnh do lượng khách du lịch tăng nhanh trong tháng 8 khi châu Âu mở cửa biên giới nội bộ. Tây Ban Nha, Italy và Hy Lạp đã ban hành lệnh giới nghiêm và quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian công cộng, ngoài trời được áp dụng ở hầu hết các quốc gia EU. Cuộc chiến chống lại Covid-19, trong vài tuần qua ở châu Âu, đã trở thành một vấn đề của luật pháp và trật tự.

Italy ghi nhận thêm 1.444 trường hợp mới, nâng tổng số ca mắc lên thành 266.853. Các quan chức y tế cho biết sự gia tăng các ca bệnh là do số lượng lớn người Italy trở về từ nước ngoài.

Tây Ban Nha hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu với 455.621 ca mắc trong đó có 29.011 ca tử vong.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Iran, ổ dịch lớn nhất Trung Đông, hiện tại là 371.816 sau khi ghi nhận thêm 1.905 trường hợp trong 24h qua. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 21.359 trường hợp.

Châu Á cũng đang chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát trên diện rộng.

Ổ dịch lớn nhất châu Á, Ấn Độ, ghi nhận thêm 78.472 ca mắc và 944 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 của Ấn Độ là 3.539.712, trong đó có 63.657 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 3 trên thế giới về số ca mắc. Hiện số ca mắc mới trong ngày tại quốc gia này cao gấp đôi Mỹ. Trước đó hôm 27/8, một thành viên của Quốc hội đã tử vong sau khi có xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 85.022 ca mắc, trong đó có 4.634 ca tử vong. Trung Quốc đã sử dụng vaccine Covid-19 thử nghiệm đối với những người làm việc trong các lĩnh cực có “nguy cơ rủi ro cao” kể từ tháng 7/2020, trong đó có các chuyên gia y tế tuyến đầu và lực lượng giám sát biên giới.

Hàn Quốc đang phải chịu làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trong tháng 8 sau khi một ổ dịch tại nhà thờ lan rộng sang một cuộc tuần hành chính trị ở thủ đô Seoul, với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Điều này có nguy cơ dẫn đến tình trạng quá tải trong các bệnh viện. Tại Seoul và vùng phụ cận, các bệnh viện chỉ sẵn có 4,5% giường bệnh cho các trường hợp nguy kịch tính đến ngày 26/8, giảm 22% so với một tuần trước đó. Nước này ghi nhận 19.400 ca mắc, trong đó có 321 ca tử vong.

Khu vực Đông Nam Á, Philipines hiện là một trong những điểm nóng dịch bệnh với tổng số ca mắc lên tới 213.131 ca sau khi ghi nhận thêm 3.637 ca mắc mới, buộc chính quyền tái áp đặt một phần lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực. Hiện đang xảy ra tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong gia đình và giữa các gia đình với nhau, buộc Bộ Y tế Philippines phải xem xét lại các chiến lược phòng dịch. Trong khi đó, Indonesia đứng thứ 2 với 169.195 ca mắc và 7.261 ca tử vong.

Theo VOV

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.