Lưu học sinh Lào tham quan và nghe cán bộ Đồn Biên phòng 567 (Vũ Quang) giới thiệu các hoạt động của cán bộ, chiến sỹ và công tác tuần tra biên giới giữa 2 nước.
Hợp tác đào tạo với nước CHDCND Lào từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước khi đang là trường cao đẳng sư phạm, cho đến nay, sau quá trình sáp nhập và hình thành trường đại học (năm 2007), mối quan hệ hợp tác giữa Đại học Hà Tĩnh và nước CHDCND Lào càng gắn bó keo sơn. Nếu khóa đầu tiên sau thành lập trường đại học (năm 2008-2009) chỉ có 25 lưu học sinh đến từ tỉnh Bôlykhămxay theo học thì đến năm học 2016-2017, Đại học Hà Tĩnh đã có 1.427 SV đến từ 11 tỉnh của nước bạn Lào. Ngoài ra, số SV theo học tiếng Việt tại trường cũng dao động từ 450 - 750 em.
Cùng với Đại học Hà Tĩnh, những năm gần đây, số lượng học sinh Lào sang học tại các trường cao đẳng: Y tế Hà Tĩnh, Nghề Việt - Đức và Văn hóa - Nghệ thuật Nguyễn Du đã bắt đầu tăng lên, tạo nên cộng đồng đông đảo SV Lào tại Hà Tĩnh. Anh Chua Vàng Xìa Xua, tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, Trường Đại học Hà Tĩnh năm 2015, hiện đang công tác tại Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Bôlykhămxay chia sẻ: “Môi trường sống ở Hà Tĩnh náo nhiệt và sôi động, con người lại rất thân thiện. Tốt nghiệp và trở về nước làm việc nhưng mình vẫn luôn kết nối với các bạn ở Hà Tĩnh và mong có thể làm điều gì đó để góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, hai tỉnh”.
Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Tĩnh luôn tạo điều kiện tối đa và khen thưởng kịp thời những lưu học sinh, sinh viên Lào có thành tích cao trong học tập.
Theo học tại các trường đại học, cao đẳng ở Hà Tĩnh, lưu học sinh Lào nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện rất lớn từ trung ương đến địa phương tỉnh Hà Tĩnh nhằm giúp các em có môi trường học tập, vui chơi tốt nhất như: Cấp học bổng, xây dựng giảng đường, ký túc xá... Trong học tập, đối với SV Lào, các thầy, cô luôn tạo điều kiện tăng số tiết dạy chuyên ngành để có thêm thời gian hướng dẫn, giúp các em nâng cao kiến thức.
Ngoài đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn Lào, các hoạt động giao lưu văn hóa cũng đã được các trường trên địa bàn chú trọng. Quan tâm đến đời sống tinh thần của lưu học sinh, hằng năm, Sở Ngoại vụ phối hợp với Trường Đại học Hà Tĩnh tổ chức vui tết Bunpimay cho SV Lào trong toàn tỉnh.
Ngoài ra, Trường Đại học Hà Tĩnh còn phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội SV trường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, tạo cơ hội cho SV hai nước giao lưu, tìm hiểu văn hóa. Bên cạnh đó, SV Lào còn được tham gia chương trình kỷ niệm các sự kiện lớn của đất nước, các ngày lễ, tết của dân tộc Việt Nam; các chuyến hành trình đi đến nhiều địa danh văn hóa, lịch sử trong cả nước; kỳ thi hùng biện tiếng Việt dành cho SV Lào trong cả nước... Đây là những cơ hội để SV Lào hiểu sâu sắc thêm nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời, giao lưu với các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được lưu học sinh Lào sôi nổi tham gia.
Hướng tới kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, ngay từ đầu năm, Trường Đại học Hà Tĩnh phối hợp với các trường cao đẳng có SV Lào theo học trên địa bàn tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng như: Festival văn hóa Việt - Lào, lễ kỷ niệm Quốc khánh nước CHDCND Lào... Em Búa Búa My Thị Đá Lắc (SV K8 Luật -Đại học Hà Tĩnh) chia sẻ: “Ở Việt Nam, các thầy, cô rất nhiệt tình, bạn bè thân thiện. Ngoài chương trình học ở trường, chúng em còn tham gia nhiều hoạt động tham quan, giao lưu sôi nổi cùng SV Việt Nam định kỳ hằng quý, hằng tháng. Đặc biệt, trong dịp tết cổ truyền của Lào, chúng em còn nhận được sự quan tâm, chăm lo chu đáo của lãnh đạo tỉnh, nhà trường. Trong những ngày tết, ngoài nhận lời chúc mừng và quà, chúng em còn được sống trong bầu không khí tết cổ truyền theo đúng tập quán của Lào với các hoạt động như: Té nước, buộc chỉ tay, giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể thao”.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh cho biết: “Quan điểm của nhà trường là hỗ trợ tối đa cho SV Lào đang theo học tại trường. Do rào cản trong ngôn ngữ nên nhà trường đã thay đổi để có phương pháp dạy phù hợp với các lưu học sinh. Kết hợp đào tạo trực tuyến và đào tạo trên lớp, tập trung nâng cao năng lực, phẩm chất của người học, lấy người học làm trung tâm”.
Được biết, thời gian tới, Trường Đại học Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động giao lưu nhằm gắn kết SV hai nước; đồng thời, mở rộng ký kết hợp tác với các tỉnh của Lào chưa có SV sang học; phối hợp với các trường cao đẳng, đại học trong cả nước đào tạo ngành điều dưỡng đáp ứng nhu cầu học của lưu học sinh. Hy vọng với những nỗ lực đó, tình hữu nghị giữa tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh của nước bạn Lào ngày càng thắt chặt, tạo sức mạnh chung để bảo vệ nền hòa bình bền vững của hai nước.