Từ ý tưởng hình thành một tổ chức xã hội để những người Hà Tĩnh từng học tập, sinh sống ở Nga được giao lưu, gặp gỡ và ôn lại kỷ niệm của những năm tháng trên đất nước Nga Xô viết, năm 1997, Hội Hữu nghị Việt – Nga Hà Tĩnh đã ra đời.
Hội Hữu nghị Việt - Nga là cầu nối của tình hữu nghị giữa hai dân tộc (Trong ảnh: Các đồng chí trong Ban Thường vụ Hội Hữu nghị Việt - Nga Hà Tĩnh).
“Thành lập vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Mười Nga với hơn 100 thành viên, đến nay, hội đã có trên 700 thành viên. Ngoài các buổi gặp gỡ, giao lưu vào các dịp lễ tết, sự kiện thì hội đang tập trung thực hiện một số kế hoạch hơp tác đào tạo, văn hóa giữa hai quốc gia” – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Tình cho biết.
Năm 2012, dưới sự khâu nối của Hội Hữu nghị Việt – Nga Hà Tĩnh, một văn bản về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa Trường Đại học Hà Tĩnh và Viện Kinh tế - Pháp luật Matxcova đã được ký kết.
Theo đó, hai bên sẽ lên kế hoạch cử cán bộ của Trường Đại học Hà Tĩnh sang đào tạo các chuyên ngành tại Nga. “Tuy nhiên, có một số khó khăn nhất định nên chúng tôi vẫn đang từng bước xúc tiến để thực hiện kế hoạch này trong thời gian sớm nhất” – Chủ tịch hội Nguyễn Xuân Tình chia sẻ.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Tình (trong ảnh) và hội viên Lê Quang Úy là những người rất tâm huyết với đề án “Festival Nguyễn Du - Puskin”.
Là người tâm huyết với hoạt động của hội nói chung, việc hợp tác văn hóa – kinh tế giữa hai nước nói riêng, ông Lê Quang Úy – hội viên Hội Hữu nghị Việt – Nga Hà Tĩnh vẫn luôn đau đáu với đề án “Festival Nguyễn Du – Puskin”.
Đây là một đề án được ông Úy “thai nghén” cùng với sự hỗ trợ của các thành viên hội từ 10 năm nay. “Festival Nguyễn Du – Puskin” là một chuỗi các sự kiện giao lưu văn hóa, du lịch như: lễ khai mạc; triển lãm thân thế, sự nghiệp của hai đại thi hào; đất nước Việt Nam – Nga xưa và nay; hội thảo quốc tế; ẩm thực Việt – Nga…
Ông Úy cho biết: “Ngoài xây dựng và hoàn thiện đề án, chúng tôi cũng đã tiến hành làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan; kí văn bản hợp tác với Phân viện Puskin (Hà Nội); kêu gọi mạnh thường quân tài trợ kinh phí dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga… Chúng tôi rất hy vọng vào đề án này bởi nó mang một ý nghĩa lớn trong việc củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc, thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế”.
Hội thảo “Nguyễn Du - Puskin: Tương đồng và khác biệt” được tổ chức dưới sự phối hợp của Hội Hữu nghị Việt - Nga và Hội Kiều học (Ảnh Anh Hoài).
Được biết, để tiến tới thực hiện đề án, hội đang lên kế hoạch tổ chức đêm thơ Puskin; festival cho học sinh, sinh viên là con em của hội viên hội hữu nghị; phát động cuộc thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du và Puskin…
Bên cạnh việc thúc đẩy giao lưu văn hóa, Hội Hữu nghị Việt – Nga Hà Tĩnh cũng rất tích cực trong công tác xã hội. Trong những đợt thiên tai bão lũ, các địa phương ở Hà Tĩnh hứng chịu thiệt hại lớn. Dưới sự khâu nối của Hội Hữu nghị Việt – Nga, cộng đồng người Hà Tĩnh ở Nga đã quyên góp được 1 tỷ đồng và 30 tấn gạo.
Số quà này đã được hội tiếp nhận và chuyển tận tay bà con vùng thiên tai. Điều đặc biệt là trong những món quà nghĩa tình đó có sự đóng góp của rất nhiều người dân Nga. Điều đó thêm một lần nữa minh chứng cho tình cảm chân thành, sâu đậm của nhân dân hai nước.
“Chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc các thành viên giao lưu, gặp gỡ đơn thuần mà mong muốn làm được những việc thiết thực, hiệu quả cho địa phương. Đồng thời, Hội sẽ là cầu nối để thúc đẩy sự kết nối văn hóa, kinh tế, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc”. – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga Nguyễn Xuân Tình cho biết.