Cầu yếu - Nỗi lo trước mùa mưa lũ

(Baohatinh.vn) - Hàng ngàn người dân ngày đêm đối mặt với nguy hiểm, nhất là khi bão lũ đã cận kề bởi có đến hàng trăm cây cầu dân sinh, hàng chục bến đò... trên địa bàn Hà Tĩnh đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Từ những cây cầu dân sinh xuống cấp

Nằm trên huyện lộ 3, cầu phao bắc qua chợ Hôm thuộc xã Phương Mỹ (Hương Khê) nhiều năm nay luôn là “nỗi khiếp sợ” đối với người dân mỗi khi đi qua. Nhìn cây cầu phao dài trên 150m, không tay vịn, rộng chỉ hơn 1m, uốn lượn trên những chiếc thùng phuy được chằng buộc với những thanh ván đã nhiều phần mục nát theo thời gian, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào nỗi lo của người dân. Không chỉ người dân Phương Mỹ, mỗi ngày có đến hàng ngàn người dân, học sinh các xã vùng lũ như Hà Linh, Phương Điền, Phúc Đồng nơm nớp qua sông trên chiếc cầu này.

Cầu phao chợ Hôm luôn là nỗi lo sợ đối với bất cứ ai mỗi lần qua đây.

Đứng ngay đầu cầu quan sát, mỗi khi có xe máy chạy qua, cầu chao đi chao lại trên những chiếc thùng phuy... Còn khi trên cầu có vài ba người kéo xe cải tiến chở vật tư, phân bón... đi qua, nhiều tấm ván cầu chìm xuống mặt sông, thót cả tim. Quả thật, người dân đang đối diện với hiểm nguy rình rập!

Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân địa phương có vẻ kinh nghiệm hơn khi bảo tôi: phải chờ tý nữa để cầu bớt rung chao rồi hãy sang... Đáp lại câu hỏi của tôi, bà nói to bằng một câu hỏi khác: “Chú nói chúng tôi gan. Tôi hỏi chú, gan hay sợ thì già trẻ ở đây hàng ngày đều cứ phải đi trên nớ (trên cầu - PV) chứ biết làm răng. Bên đó là chợ, là ruộng đồng, trường học... răng mà tránh...?”.

Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ Nguyễn Hồng Quân cho biết, đã có tổng cộng 7 người chết đuối khi đi qua khúc sông này.

Người dân nơi đây cho hay: Cháu Phan Văn Th. (12 tuổi) là nạn nhân xấu số gần đây nhất bị nước cuốn trôi khi rớt xuống cầu.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Sở GTVT và các địa phương, hiện trên địa bàn toàn tỉnh còn thiếu và đã hư hỏng là trên 400 cầu. Trong đó, trên 200 cầu trong tình trạng mất an toàn cần phải sửa chữa, nâng cấp hoặc làm mới. Nhiều cầu trong số đó đã gây nên nhiều vụ chết người thương tâm hoặc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người và phương tiện khi lưu thông qua cầu.

Điển hình là: cầu Sắt bắc qua Khe Cò ở xã Sơn Hồng, theo người dân nơi đây, đã có 4 người bị nước cuốn trôi khi tìm cách qua khe; cầu Nầm, cầu Vàng Anh (Sơn Trường); Chợ Cầu (Sơn An); bến đò Trung Lưu (Sơn Tây); Ngã ba (Sơn Lễ); Nờ (Sơn Tiến), Bà Phái (Sơn Hòa), Bảo Thượng (Sơn Quang); Quán, Cơn Đô và Hồng Phúc (TX Hồng Lĩnh); Đò De, Liên Lạc... (Đức Thọ); cầu Trù (Lộc Hà); Chợ Vực (Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên)... Đặc biệt, người dân luôn trong tình trạng “nín thở” mỗi khi phải qua lại trên cầu treo Nầm và Hương Giang bởi trụ tháp bị nghiêng lệch, cáp bị chùng sâu, các dầm dọc, dầm ngang bị nứt... “Nếu không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời, sẽ gây tai họa khôn lường, nhất là khi có mưa bão” - ông Nguyễn Văn Thắng, sống gần cầu Nầm (Hương Sơn) lo lắng.

Đến hàng chục bến đò ngang mất an toàn

Khoảng 1.400 người dân 2 thôn Trung Lưu và Phố Tây (Sơn Tây, Hương Sơn) bao đời nay đều phải đi đò. Đây là phương tiện duy nhất để giao thương giữa hai bờ con sông Ngàn Phố.

Cầu Sắt bắc qua Khe Cò (xã Sơn Hồng, Hương Sơn) xuống cấp nghiêm trọng.

Cũng vì điều kiện như vậy nên cuộc sống của người dân nơi đây đã khó khăn còn “cõng” thêm nỗi lo mỗi lần qua sông. Chứng kiến cảnh hàng chục người, với dụng cụ sản xuất, phương tiện đi lại, trong đó có nhiều học sinh lênh đênh trên chiếc đò không có phao cứu sinh, được kéo đi dựa trên một sợi dây thừng cột từ bên này qua bên kia sông mới thấy nguy cơ mất an toàn rất cao. Theo người dân, đã có 2 người bị đuối nước tại bến đò này... và mong ước tột cùng nhất của họ là có được cây cầu.

Cũng theo thống kê từ Sở GTVT, trên các tuyến đường xã và đường giao thông nông thôn trong toàn tỉnh hiện có 13 bến đò ngang. Trong đó, Vũ Quang 4 bến, Hương Khê 3, Nghi Xuân 2, Lộc Hà 1, Hương Sơn 3. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các bến đò này đều thiếu điều kiện và phương tiện đảm bảo an toàn cho người, phương tiện khi qua sông, nhất là khi có mưa bão...

Sự mất an toàn tại các cây cầu xuống cấp và các bến đò ngang chỉ được giảm thiểu khi các cấp, ngành, địa phương vào cuộc với những giải pháp đồng bộ. Đừng để cái sảy nảy cái ung!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói