Với nhiều "bà đỡ" của trẻ tự kỷ ở Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh, chỉ cần một thay đổi tích cực dù nhỏ ở trẻ cũng đủ làm họ mừng rơi nước mắt.
Nhiều năm chăm sóc, chữa bệnh cho trẻ tự kỷ, bác sỹ Nguyễn Thị Hà - Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh vẫn xem công việc giúp đỡ những trẻ em đặc biệt như “duyên” trong nghề. Bác sỹ Hà không thể ngăn được sự xúc động khi kể về trường hợp cháu T.C.S. (SN 2005 tại TP Hà Tĩnh). Cháu được gia đình đưa đến chữa trị tại bệnh viện từ năm 2014 khi đã ở mức độ nặng, không giao tiếp được. Ở nhà, cháu chỉ chơi một mình. Cháu không thể nói được ngoài những từ đơn vô nghĩa, khả năng hiểu kém và không nhận thức được mọi vật xung quanh.
Suốt 4 năm chữa trị tại bệnh viện, chị Hà cùng đội ngũ y, bác sỹ ở đây đã dốc toàn bộ tâm huyết, mang kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để giúp cháu S. chóng khỏi. Nhờ nỗ lực đó, đến nay, cháu S. đã đi học, giao tiếp và có thể nói được câu dài. S. vừa chữa trị ở viện, vừa đi học ở trường, biết đọc, biết làm phép tính.
“Chăm sóc, giáo dục trẻ rối loạn phổ tự kỷ không đơn giản như các trẻ em khác, vì đa số cháu đều gặp nhiều khó khăn trong mọi lĩnh vực phát triển như ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, nhận thức, tự phục vụ... Vì vậy, chỉ có lòng yêu nghề, say mê với nghề mới giúp họ theo đuổi nghề nghiệp đến cùng, tình yêu nghề phải được xuất phát từ tình yêu trẻ” - bác sỹ Nguyễn Thị Hà chia sẻ.
Là người trực tiếp can thiệp cho trẻ tự kỷ, chị Đoàn Thị Ái - kỹ thuật viên Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh đã có những học trò thân thiết như người trong nhà. Bé N.T.G.H. (ở Cẩm Xuyên) 4 tuổi nhưng chưa nói được, thường thu mình, không chịu giao tiếp. H. thường xuyên la hét và không chịu được sự tác động của âm thanh cũng như từ người lạ. Khó khăn lắm, chị Ái mới thân thiết và được cháu H. tin tưởng. Mỗi một thay đổi, tiến bộ nhỏ của bé cũng khiến chị mừng rơi nước mắt.
Hiện tại, Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh đang điều trị cho 136 trẻ, trong đó, gần 50% là trẻ tự kỷ. Để giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập cuộc sống, đội ngũ y, bác sỹ ở đây phải sử dụng các biện pháp can thiệp cá nhân như phân tích hành vi ứng dụng, trị liệu ngôn ngữ, trị liệu điều hòa cảm giác và can thiệp nhóm…
Tuy nhiên, theo các bác sỹ, để can thiệp sớm cho trẻ cần cả sự nỗ lực, kiên trì của bố mẹ. Chị Đoàn Thị Ái cho biết: “Một trong những cái khó của chúng tôi là nhiều bố mẹ không chấp nhận việc con mình bị tự kỷ dẫn đến trốn tránh đưa con đi chữa bệnh hoặc không kiên nhẫn theo đuổi các biện pháp điều trị”.
Muốn trẻ phát triển bình thường, các bậc cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc; không cho trẻ xem quá nhiều ti vi, điện thoại và cần có biện pháp can thiệp sớm nếu phát hiện trẻ bị tự kỷ.