Khu vui chơi dành cho trẻ tự kỷ.
Trong ký ức của chị Nguyễn Thị N. (thị trấn Thạch Hà), những ngày tháng chiến đấu với căn bệnh tự kỷ của cháu Quách Văn L. là khoảng thời gian đầy nước mắt. Cháu Quách Văn L. sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng lên 3 tuổi vẫn không biết nói, nhận thức không bằng đứa trẻ 1 tuổi và càng ngày càng có những hành động không bình thường với người xung quanh. Lo lắng, chị N. đưa con đến gặp bác sỹ và bàng hoàng khi biết con mình mắc chứng bệnh tự kỷ điển hình.
Năm 2015, chị N. đưa con đến Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh. Sau nhiều tháng kiên trì, con trai chị N. đã có những tiến bộ trông thấy, cháu bắt đầu có khả năng ngôn ngữ, nhận biết đồ vật và giao tiếp với mọi người bằng ánh mắt.
Chị N. tâm sự: “Cuộc chiến với căn bệnh tự kỷ của con rất dai dẳng, cần sự kiên trì. Có nhiều tiến bộ sau khi được can thiệp nên hàng ngày, vợ chồng tôi vẫn sắp xếp thời gian để đưa cháu đến đây”.
Điều trị cho trẻ tự kỷ cần kiên trì, bền bỉ và lâu dài
Hiện Khoa Vật lý trị liệu của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh đang điều trị cho khá nhiều bệnh nhân mắc chứng tự kỷ. Gia đình chị Trần Thị L. (xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên) có 3 con đều mắc bệnh này.
Chị L. cho biết: “Ngày nào cũng vậy, không kể nắng hay mưa, mẹ con lại dắt díu nhau bắt xe buýt ra để các cháu vào học âm ngữ trị liệu với các điều dưỡng viên. Dù đường sá xa xôi nhưng 2 vợ chồng tôi luôn tự nhủ phải cố gắng. Mong sao các cháu khỏe mạnh, hòa nhập được với bạn bè cùng trang lứa”.
Tại Hà Tĩnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh hiện là cơ sở y tế công lập duy nhất thực hiện điều trị cho nhóm đối tượng này. Thành lập từ năm 2015, đến nay, bộ phận âm ngữ trị liệu (Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh) đã tiếp nhận và điều trị cho hàng nghìn trẻ tự kỷ. Thời điểm hiện tại, có hơn 110 cháu mắc bệnh tự kỷ đang trực tiếp điều trị tại đây.
Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh Nguyễn Thị Diện chia sẻ: “Xác định điều trị cho đối tượng trẻ tự kỷ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên trong những năm qua, chúng tôi không ngừng đào tạo đội ngũ và nâng cao cơ sở vật chất. Hiện tại, đơn vị có 12 phòng điều trị với 10 cán bộ, trong đó có 1 bác sỹ”.
Cũng theo Giám đốc Nguyễn Thị Diện, trẻ tự kỷ là những đối tượng nhạy cảm nên quá trình điều trị rất cần sự kiên trì của cả phụ huynh lẫn điều dưỡng viên.
Nếu phụ huynh phát hiện trẻ có 5 dấu hiệu: Không bi bô, không biết dùng cử chỉ vào khoảng 12 tháng tuổi; không biết nói từ đơn vào lúc 16 tháng tuổi; không biết đáp lại khi được gọi tên; không tự nói được câu có 2 từ lúc 24 tháng tuổi; mất kỹ năng ngôn ngữ xã hội vào bất kỳ độ tuổi nào thì cần phải đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời. |