Y tế

Chắt chiu nghĩa tình…

"Quê tôi ngàn năm khó nhọc, mà sống chắt chiu câu nghĩa tình” - Những ngày này, câu hát ấy cứ vang lên trong tâm khảm tôi khi chứng kiến những việc làm đầy nghĩa tình của những người già, em nhỏ, những cán bộ, giáo viên và bà con nông dân… trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.

Chắt chiu nghĩa tình…
Chắt chiu nghĩa tình…

Có lẽ chưa bao giờ, không khí của những ngày làm cách mạng cứu nước lại trở lại mạnh mẽ như thế trong suy nghĩ và hành động của những công dân Việt Nam như giai đoạn cả nước chung tay chống dịch bệnh Covid-19 này. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân quên đi những khó khăn riêng mà chung tay chống dịch. Và, xúc động hơn bao giờ hết lại là sự đóng góp của những người cao tuổi.

Tôi còn nhớ như in cảm xúc rưng rưng của mình khi đọc những dòng tin về cụ bà Nguyễn Thị Huệ (98 tuổi) ở thôn Hà Sơn, xã Quang Diệm (Hương Sơn - Hà Tĩnh) đến UBND xã để trao tặng 1 triệu đồng ủng hộ hoạt động chống dịch. Đó là buổi chiều ngày 26/3, khi huyện Hương Sơn đã và đang tập trung lực lượng, nguồn lực để tiếp nhận và chăm sóc các công dân trở về từ nước ngoài tại các khu cách ly tập trung.

Chắt chiu nghĩa tình…

Tại trụ sở UBND xã Quang Diệm, cụ Huệ chia sẻ, đó là số tiền trích từ chế độ được hưởng dành cho đảng viên 70 năm tuổi Đảng và tiền mừng tuổi năm vừa rồi của cụ. Và đây chính là hành động hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân chung tay phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Lời chia sẻ tuy giản dị nhưng suy nghĩ và hành động ấy là sự lắng đọng của truyền thống văn hoá ngàn đời của cha ông. Rằng “nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, rằng “một hòn chẳng đắp nên non/ Ba hòn đắp lại nên cồn Thái Sơn”…

Đó chính là tình yêu thương, đùm bọc nhau của dân tộc Việt Nam mà cụ bà có 70 năm tuổi Đảng ấy được hun đúc từ những năm tháng chiến tranh của dân tộc. Nổi bật nhất là tinh thần được lan toả từ những phong trào như: “Tuần lễ vàng” (sau Cách mạng tháng Tám thành công), “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” (trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước) của nhân dân ta…

Chắt chiu nghĩa tình…

Ảnh: Ánh Dương

Việc làm đầy nghĩa tình ấy của cụ Huệ đã nhanh chóng tạo nên sự lan toả trong cộng đồng. Chỉ mấy ngày sau, ngay trong xã Quang Diệm, 2 anh em ruột Nguyễn Bảo Long và Nguyễn Bảo Châu (thôn 5, xã Quang Diệm) đã tình nguyện mang hết 1 triệu đồng tiền tiết kiệm của mình ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Đó là một quyết định đầy lòng nhân ái.

Đọc những lời tâm sự của Bảo Long trên báo về tình cảm dành cho các chú bộ đội đang phục vụ ở khu cách ly, tôi hiểu rằng 2 anh em đã thực sự thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”, “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình”... Tôi cũng hiểu rằng, chính hành động của cụ bà Nguyễn Thị Huệ là gương sáng, là động lực để các em làm việc tốt.

Chắt chiu nghĩa tình…

Những ngày cả nước chung tay chống dịch, những hình ảnh cảm động của đội ngũ y, bác sỹ, của các lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu đã khiến nhiều người xúc động. Những cảm xúc đó đã nhanh chóng biến thành hành động. Câu thành ngữ của cha ông “khi rét ta chung một lòng, khi đói ta chung một dạ” đã được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực.

Tại khu cách ly tập trung xã Thạch Đài (Thạch Hà), khi chứng kiến các lực lượng công an, phụ nữ, đoàn viên thanh niên… chung tay chuẩn bị hậu cần, người dân địa phương đã vô cùng xúc động và bày tỏ lòng thương yêu bằng nhiều cách. Trong những ngày đầu tiên mở cửa đón lao động địa phương trở về, rất nhiều cụ ông, cụ bà, cô bác nông dân đã đem những gì mình có đến trao tận tay các chiến sỹ công an.

Chắt chiu nghĩa tình…

Bà con nhân dân thôn Nam Thượng, xã Thạch Đài ủng hộ lực lượng làm nhiệm vụ tại điểm tạm trú Trường Mầm non xã Thạch Đài. Ảnh: CA Thạch Đài

Bà Trần Thị Bình ở thôn Kỳ Phong - xã Thạch Đài chia sẻ: “Chứng kiến các cán bộ, chiến sỹ công an vất vả sửa soạn cho con cháu mình về thực hiện cách ly, tôi vô cùng cảm động. Không biết làm gì hơn, tôi đã mang mấy kilogam gạo đến trao cho các chú tại cổng khu cách ly rồi về. Nhận gạo của tôi, các chú công an cảm động lắm”.

Không riêng gì ở Thạch Đài, hằng ngày, tất cả các khu cách ly tập trung trên toàn tỉnh đều nhận được những tình cảm yêu thương ấm áp như thế của Nhân dân. Điều mà người dân mang đến cho những lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch chính là tình cảm đồng bào ấm áp.

Cụ Nguyễn Thị Lương, 103 tuổi ở thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh) chia sẻ tinh thần chống dịch Covid-19. Video: Vũ Viễn

Ngay cả việc dành toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình để mua 2 tấn gạo ủng hộ lực lượng quân sự của cụ bà 101 tuổi Nguyễn Thị Tửu (phường Nam Hà – TP Hà Tĩnh) cũng không nhằm mục đích gì hơn ngoài tình cảm đồng bào máu thịt. Là người thường xuyên làm từ thiện, nên việc ủng hộ lần này là việc làm rất đỗi bình thường của cụ Tửu.

Chắt chiu nghĩa tình…

Ảnh: Thành Chung

Tuy nhiên, việc quyết định mua 2 tấn gạo để chia sẻ với nỗi nhọc nhằn của lực lượng quân đội lại ghi dấu sự trăn trở của một bà mẹ Việt. Chứng kiến sự chung tay của cả cộng đồng, cụ Tửu không góp tiền hay vật tư y tế như nhiều cá nhân, tổ chức đã làm mà cụ lại quyết định mua gạo để duy trì năng lượng cho các cán bộ, chiến sỹ nơi tuyến đầu.

Chắt chiu nghĩa tình…

Khi nghĩa đồng bào được “kích hoạt” một cách mạnh mẽ thì mỗi ngày lại xuất hiện rất nhiều việc tốt. Có lẽ chưa bao giờ, trên truyền thông lại xuất hiện nhiều đến thế những tấm lòng thơm thảo. Mỗi ngày, đời sống lại như thêm phần ấm áp hơn trong những thông tin về những gia đình có mấy thế hệ cùng chung tay chống dịch, về những bữa cơm thơm thảo của những gia đình giáo dân, của các tổ chức, đoàn thể… dành cho các công dân ở khu cách ly.

Mỗi người có một cách để thể hiện tình yêu nước, thương nòi của mình. Người có công góp công, người có của góp của. Những tấn gạo, mớ rau, những chiếc mũ chống giọt bắn, chiếc khẩu trang, những chiếc máy khử khuẩn… mỗi ngày đều đến với các lực lượng đang làm nhiệm vụ ở khu cách ly bằng con đường của tình yêu thương, sự chia sẻ.

Chắt chiu nghĩa tình…

Ảnh: Ánh Dương

Chắt chiu nghĩa tình…

Các giáo viên Trường Mầm non Sơn Kim 1, Trường Mầm non Sơn Bằng, Trường Mầm non thị trấn Phố Châu quyên góp rau xanh và tham gia tình nguyện hậu cần tại điểm cách ly Cổng B – thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn). Ảnh: P.V

Y sỹ Trần Mạnh Hùng thực hiện nhiệm vụ ở BVĐK Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn) chia sẻ: “Chúng tôi ở đây đã gần 20 ngày không được về nhà. Những căng thẳng trong công việc khiến chúng tôi mệt mỏi vô cùng. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi cũng cảm thấy mình được yêu thương thật nhiều. Chưa bao giờ tôi được đón nhận nhiều đến thế tình cảm đồng bào ấm áp từ muôn phương. Từ những mớ rau, bắp ngô của người dân địa phương đến những chiếc khẩu trang, nhu yếu phẩm của đồng bào cả nước gửi về đều đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Chắt chiu nghĩa tình…

Mỗi ngày, ở Hà Tĩnh, những nghĩa tình vẫn được chắt chiu dành cho các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Những khó khăn, gian khổ của các lực lượng vũ trang, y tế như cũng được sẻ chia nhiều hơn. Và hẳn là những công dân đang thực hiện cách ly cũng cảm nhận được thật rõ tình cảm ấm áp mà đồng bào đã dành cho mình để yên tâm mà đồng lòng tuân thủ những quy định về y tế ở trong các khu cách ly tập trung…

ảnh & video: pv-ctv

thiết kế: huy tùng

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.