Anh Aysar Issa hành nghề sửa giày dép ở trại tị nạn Khazer. (Ảnh: Reuters)
Quay trở lại với công việc sửa giày dép để phụ giúp gia đình gồm 8 người của mình, anh Aysar Issa chia sẻ với Reuters: “Các anh em tôi đang làm việc tại trại tị nạn này để tồn tại. Chúng tôi kiếm được ít hơn 5.000 dinar (khoảng 4,28 USD) một ngày, nhưng không có sự lựa chọn nào khác vì chẳng thể quay trở lại làng mình”.
Issa cùng gia đình phải đi tị nạn sau khi các cuộc giao tranh phá hủy ngôi làng Khorsibad của họ nằm phía Bắc Mosul. Giống như nhiều người khác ở Khazer, họ đến khu trại này với chỉ một ít của cải, chút tiền mặt và buộc phải tự lo liệu cho bản thân.
Anh Younis Mahmoud làm nghề cắt tóc ở Khazer. (Ảnh: Reuters)
“Tôi từng là thợ cắt tóc ở Bartella (một thị trấn lớn có đa số cư dân theo Cơ Đốc giáo nằm ở ngoại ô Mosul), nhưng khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm được nơi này vào năm 2014, việc cạo râu bị cấm và cắt tóc cũng buộc phải tuân theo các quy định”, anh Younis Mahmoud nói.
“Tôi thậm chí còn bị phạt tiền và bị đánh khi cắt một kiểu đầu hiện đại cho một cậu bé”, chàng trai 21 tuổi nói thêm.
Số người đổ về các trại tị nạn tăng lên kể từ khi chính phủ Iraq dưới sự hỗ trợ của liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu, phát động chiến dịch quân sự nhằm giành lại Mosul - thành trì lớn cuối cùng của IS ở Iraq.
Hơn 500.000 người dân ở Mosul và các khu vực xung quanh đã phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn kể từ hồi tháng 10 năm ngoái, theo số liệu từ Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR).
Các cơ quan y tế và nhân đạo ước tính tổng số người chết và bị thương cả dân sự lẫn quân sự đã lên tới vài nghìn người.
Từng là chủ một siêu thị ở làng Qaraqosh, nơi tập trung đông các tín đồ đạo Cơ Đốc, Nashwan Yousef đã buộc phải bỏ lại cả cơ nghiệp của mình để đi lánh nạn ở trại Ashti thuộc khu vực Sulaymaniyah. Tại đây, nhờ có sự hỗ trợ của nhà thờ, ông đã mở được lại một siêu thị nhỏ hơn.
Ông Nashwan Yousef bên siêu thị nhỏ của mình ở trại Ashti. (Ảnh: Reuters)
“Tôi sẽ quay trở lại Quaraqosh ngay khi nó an toàn. Tôi muốn xây dựng lại ngôi nhà đã bị phá hủy của mình, dù có phải sống trong lều trại cho tới khi có đủ tiền để xây mới”, ông Yousef nói.
Một số dịch vụ khác bên trong các trại tị nạn ở Iraq:
Saleh Hassan Mohammed kiếm được 6.000 dinar/ngày (khoảng 5 USD) từ công việc bán rau quả tại trại Khazer.
Từng là một tài xế taxi, Kamal Nofal giờ đây kiếm sống bằng việc bán hàng tạp hóa ở trại Khazer. Mỗi ngày anh kiếm được từ 7.000 đến 8.000 dinar (khoảng 6-7 USD).
Ahmed Mohamed Yassin kiếm được từ 5.000 đến 6.000 dinar/ngày (4-5 USD) từ việc bán thuốc lá. Anh cho biết đây là nguồn thu nhập có thể chấp nhận được.
Những người đàn ông bán đồ ăn bên trong trại Khazer.
Một phụ nữ làm nghề thêu thùa ở trại Khazer.
* Nội dung bài viết được Báo Hà Tĩnh điện tử lược dịch từ Reuters.