Tổ hội nghề nghiệp ra đời đã góp phần giúp làng nghề làm chổi đót Hà Ân (xã Thạch Mỹ) phát triển...
Năm 2016, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành đề án xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Sau hơn 3 năm triển khai, tính đến nay, tại Hà Tĩnh đã có 1 chi hội và 15 tổ hội nghề nghiệp được thành lập với khoảng 170 thành viên tham gia.
Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh chổi đót thôn Hà Ân (xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà) được thành lập năm 2017 với 16 thành viên. Ngay sau khi được thành lập, một số thành viên được tiếp cận nguồn vốn vay chính sách từ Qũy Hỗ trợ nông dân. Có nguồn vốn và đặc biệt là mối liên kết giữa các hộ nông dân trong sản xuất được tăng cường, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng được mở rộng nên thu nhập thành viên ngày càng được nâng cao.
Tổ hội nghề nghiệp còn giúp tăng cường mối liên kết giữa người nông dân
Ông Lê Tiến Dũng - Tổ phó tổ hội chia sẻ: Từ khi được thành lập, sản phẩm làng nghề của tổ hội được hỗ trợ giới thiệu đến nhiều hội chợ nông nghiệp. Bên cạnh đó, qua việc liên kết chúng tôi cũng tạo được số lượng sản phẩm tập trung, giúp việc tiêu thụ được thuận tiện hơn. Nhờ có thị trường ổn định, đến nay, thu nhập của thành viên đạt trung bình khoảng 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Người lao động yên tâm sản xuất hơn khi thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng.
Không chỉ Tổ hội Hà Ân, nhiều chi, tổ hội trên địa bàn tỉnh cũng phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người tham gia. Đơn cử như Chi hội nghề nghiệp đóng thuyền xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ sau 3 năm thành lập, từ 53 hội viên ban đầu, đến nay đã có trên 80 hội viên tham gia, mức thu nhập bình quân đạt từ 8 – 9 triệu đồng/tháng.
Hay như người lao động tại Tổ hội nghề nghiệp xã Thạch Liên (Thạch Hà) cũng có mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng dù đây chỉ là nghề phụ của người nông dân…
Người lao động tại Tổ hội nghề nghiệp xã Thạch Liên (Thạch Hà) có mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Qua đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, các chi hội, tổ hội nghề nghiệp được thành lập ở Hà Tĩnh đang từng bước đi vào hoạt động có nề nếp và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, hội viên tham gia đã thực hiện tốt các tiêu chí đề ra của đề án, tạo sự gắn kết của các hộ nông dân trong sản xuất, kinh doanh, khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu truyền thống, kém hiệu quả.
Chi hội nghề nghiệp đóng thuyền tại xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ đang ngày càng phát huy hiệu quả và thu hút thành viên mới tham gia.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Trần Trung Thành, việc thành lập các tổ hội, chi hội mới chỉ dừng lại ở thí điểm, chưa được nhân rộng. Do đó, thời gian tới, Hội sẽ tập trung định hướng các cơ sở, phát huy thế mạnh ngành nghề, lấy hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng, nhân rộng các chi, tổ hội nghề nghiệp mới.
Ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn, đào tạo nghề hay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi cũng tập trung phối hợp để hướng dẫn các tổ hội, chi hội thành lập, phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản địa phương.