Chính phủ ban hành 8 nhóm giải pháp cho năm 2010: Tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn, ngăn chặn lạm phát cao trở lại Ngày 15-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết số 03/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát t

Ngày 15-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết số 03/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010. Trước đó, trong 2 ngày 6 và 7-1, Chính phủ đã họp với các bộ ngành, địa phương thảo luận về nội dung nghị quyết này.

Mục tiêu của năm 2010 là nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại; tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2006 - 2010.

Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương sắp thông xe sẽ giúp "chia lửa" với tuyến giao thông TPHCM đi ĐBSCL. Ảnh: Cao Thăng

Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương sắp thông xe sẽ giúp "chia lửa" với tuyến giao thông TPHCM đi ĐBSCL. Ảnh: Cao Thăng

Để thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2010, Chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp chính với 132 giải pháp cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành, UBND tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp mà Chính phủ đã đề ra.

Cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng

Nhóm giải pháp thứ nhất mà Chính phủ yêu cầu triển khai là phục hồi kinh tế, chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Năm 2010, phấn đấu đạt mức cao hơn năm 2009. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục hướng dẫn và tổ chức thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế theo hướng vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, nông thôn, đầu tư trung và dài hạn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng phát triển các ngành và vùng kinh tế.

Thứ hai là nhóm giải pháp điều hành chính sách tiền tài chính, tiền tệ linh hoạt, thận trọng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nhập siêu và ngăn chặn lạm phát cao trở lại; phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi NSNN, giảm bội chi NSNN năm 2010 xuống dưới 6,2% và giảm dần trong các năm sau.

Nhóm giải pháp thứ ba là đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng GD-ĐT, KH-CN. theo đó, đổi mới và nâng cao chất lượng GD-ĐT ở tất cả các cấp học, đặc biệt là đào tạo nghề và giáo dục đại học. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, nhất là lao động kỹ thuật công nghệ có tay nghề cao. Phấn đấu đạt chỉ tiêu 40% lao động qua đào tạo trong năm 2010. Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh phát triển KH-CN, đồng thời có biện pháp thích hợp để ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm, của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội

Nhóm giải pháp thứ tư được Chính phủ xác định là tạo chuyển biến trong công tác chăm sóc sức khỏe, phát triển văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tiếp tục cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, tổ chức thực hiện tốt chủ trương đầu tư cải tạo, mở rộng, nâng cấp, xây mới các bệnh viện và mua sắm các trang thiết bị y tế. Những quy định về thủ tục hành chính phải đơn giản, dễ thực hiện để người bệnh có thể thực hiện thuận tiện, nhanh chóng. Thực hiện các giải pháp để sớm khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và các ngày lễ lớn của dân tộc.

Thứ năm, nhóm giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Theo đó, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án về an sinh xã hội đã ban hành; đồng thời nghiên cứu và ban hành mới các cơ chế chính sách đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội trong tình hình và điều kiện mới. Chính phủ sẽ ban hành các chính sách nhằm bảo đảm cho nông dân sản xuất lúa hàng hóa thu được mức lãi tối thiểu 30% so với giá thành sản xuất. Thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng khả năng tiếp cận vay vốn tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn. Triển khai tích cực về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.

Kiên quyết đấu tranh trước mọi hành động vi phạm chủ quyền

Nhóm giải pháp thứ sáu được Chính phủ nêu rõ là tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác bảo vệ môi trường phải được thực hiện ngay từ khâu thẩm định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch và dự án đầu tư; tăng cường giám sát và có chế tài xử lý nghiêm đi đôi với quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức triển khai thực hiện ngay từ đầu năm các nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung nguồn lực làm trước ở các vùng xung yếu, ven biển.

Thứ bảy, mở rộng quan hệ quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Chính phủ nêu rõ, tiếp tục thúc đẩy giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ với các nước, xử lý tốt các vấn đề nảy sinh; triển khai các hiệp định liên quan đến thỏa thuận phân giới cắm mốc trên đất liền với Trung Quốc; tôn tạo mốc giới với Lào và công nhận phân giới cắm mốc với Campuchia; tích cực trao đổi với các nước liên quan để thúc đẩy hợp tác trên biển; kiên quyết đấu tranh trước mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia của ta ở biển Đông.

Nhóm giải pháp cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Chính phủ yêu cầu trong năm 2010, cắt giảm tối thiểu 30% các quy định hiện hành về thủ tục hành chính. Thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, tập trung vào các giải pháp phòng ngừa, tăng cường tính công khai, minh bạch. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với việc thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Nguồn: SGGP Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast