Đảm bảo tôn trọng quyền định đoạt của đương sự

(Baohatinh.vn) - Đại biểu Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Nguyệt Thu tham gia tranh luận về các quy định liên quan đến áp dụng pháp luật trong xét xử.

Chiều 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Đảm bảo tôn trọng quyền định đoạt của đương sự

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành buổi thảo luận.

Đại biểu Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Nguyệt Thu tham gia tranh luận về các quy định liên quan đến giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử; thu thập tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; việc tổ chức tòa án nhân dân sơ thẩm, tòa án nhân dân phúc thẩm.

Tranh luận về quy định liên quan đến giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cho biết, dự thảo luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã quy định, tòa án làm rõ trong bản án quyết định về nội dung được áp dụng trong hoàn cảnh, tình huống cụ thể.

Đảm bảo tôn trọng quyền định đoạt của đương sự

ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu tranh luận.

Đại biểu cho rằng, nếu có tranh chấp mà chưa có pháp luật quy định thì tòa án không được từ chối mà vẫn phải giải quyết và giải thích trong bản án việc áp dụng pháp luật tương tự hay tập quán hay án lệ để xét xử.

Do đó, thẩm quyền giải thích áp dụng pháp luật của tòa án hoàn toàn khác với thẩm quyền giải thích luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tòa án chỉ giải thích những tình huống pháp lý đưa ra xét xử. Tòa án có trách nhiệm giải thích cho người tiến hành, người tham gia tố tụng biết vì sao áp dụng luật nào, điều nào.

Đảm bảo tôn trọng quyền định đoạt của đương sự

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Về thu thập tài liệu chứng cứ, theo đại biểu, việc cung cấp tài liệu chứng cứ cho tòa án để giải quyết vụ việc dân sự không chỉ là nghĩa vụ của đương sự mà là quyền của đương sự, đã được quy định tại Điều 5, Bộ Luật Tố tụng dân sự, đây là nguyên tắc “tôn trọng quyền định đoạt của đương sự”. Đương sự có quyền quyết định việc cung cấp hay không cung cấp tài liệu chứng cứ cho tòa án. Tòa án chỉ có nhiệm vụ tập hợp, xem xét, kiểm tra tính hợp pháp, giám định để xác định tính xác thực của tài liệu chứng cứ mà đương sự cung cấp.

Ngoài ra, đại biểu khẳng định việc tòa án nhân dân sơ thẩm, tòa án nhân dân phúc thẩm như tòa án nhân dân cấp huyện, tòa án nhân dân cấp tỉnh là hoàn toàn phù hợp; đảm bảo nguyên tắc xét xử phúc thẩm, sơ thẩm, phù hợp với thông lệ quốc tế. Khi xét xử, tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phải tòa án riêng của tỉnh hay huyện nào. Việc đổi mới tòa án theo sơ thẩm, phúc thẩm không có xung đột, mâu thuẫn với các quy định có liên quan.

Việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Dự thảo luật gồm 154 điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 7 điều.

So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, dự thảo luật giảm 2 chương, tăng thêm 57 điều.

Dự thảo luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới, tập trung vào những nội dung lớn như: Quy định nội hàm quyền tư pháp về nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án; về hoàn thiện tổ chức bộ máy của tòa án; về đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tòa án; Thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia để bảo đảm độc lập tư pháp; đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử...

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm