Nhiều kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời, giải quyết thấu đáo

(Baohatinh.vn) - Với tinh thần và trách nhiệm trước cử tri tỉnh nhà, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương rà soát, nghiên cứu, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Nhiều kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời, giải quyết thấu đáo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp.

Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII vào sáng nay (14/7), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã báo cáo kết quả giải quyết một số ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp. UBND tỉnh cũng đã gửi toàn bộ kết quả trả lời kiến nghị của cử tri trên Cổng thông tin điện tử của HĐND tỉnh để Nhân dân được biết.

Theo đó, có 41 ý kiến, kiến nghị trên 5 lĩnh vực gửi đến kỳ họp, gồm: kinh tế, nông nghiệp nông thôn, đô thị (9 ý kiến, kiến nghị); tài nguyên và môi trường (8 ý kiến, kiến nghị); đầu tư, giao thông, xây dựng và các chương trình, dự án (5 ý kiến, kiến nghị); văn hóa, xã hội (11 ý kiến, kiến nghị) và các lĩnh vực khác (8 ý kiến, kiến nghị) đã được cử tri gửi tới UBND tỉnh để giải quyết.

Cần có biện pháp kiểm soát giá cả, ổn định thị trường

Nhiều kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời, giải quyết thấu đáo

Giá xăng dầu tăng cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng tới các hoạt động kinh doanh, sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh.

Trong lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp nông thôn, đô thị thì các vấn đề về kiểm soát giá cả, ổn định thị trường; chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; điều chỉnh giá bồi thường, giải phóng mặt bằng về đất và các công trình trên đất cho phù hợp với thực tế... được đông đảo cử tri quan tâm.

Đối với ý kiến của cử tri liên quan việc cần có biện pháp kiểm soát giá cả, ổn định thị trường do giá xăng dầu tăng mạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn thông tin, thẩm quyền điều hành giá xăng dầu trong nước thuộc liên bộ Tài chính - Công thương. Các mặt hàng tiêu dùng thông thường, vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi không thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước bình ổn giá hay Nhà nước định giá theo Luật Giá năm 2012.

Trách nhiệm quản lý Nhà nước của địa phương về nội dung này theo hướng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

UBND tỉnh đã có các văn bản: số 1416/UBND-TH3 ngày 28/6/2022 về việc công tác điều hành giá năm 2022 và số 3363/UBND-TH3 ngày 23/6/2022 chỉ đạo các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao thực hiện quản lý Nhà nước các mặt hàng theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định khi có biến động bất thường, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý...

Nhiều kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời, giải quyết thấu đáo

Thi công Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, TX Kỳ Anh.

Trả lời kiến nghị của cử tri TX Kỳ Anh về việc giá đất trên thị trường, giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi giá bồi thường, giải phóng mặt bằng về đất và các công trình trên đất chưa phù hợp với thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: theo quy định của Luật Đất đai, giá đất để tính toán bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là giá đất cụ thể nên sẽ đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người sử dụng đất bị thu hồi.

Thẩm quyền phê duyệt giá đất cụ thể để tính toán bồi thường về đất thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện. Do đó, UBND cấp huyện cần căn cứ quy định, thẩm quyền được ủy quyền để thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Nhiều kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời, giải quyết thấu đáo

Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp để kiểm soát hiện tượng “sốt đất”.

Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để tổ chức chỉ đạo thực hiện nhằm kiểm soát hiện tượng “sốt đất”. Do đó, thời gian qua, tình trạng sốt đất đã giảm hẳn.

Đối với các công trình trên đất, thực hiện quy định của Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành bộ đơn giá bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu… để phục vụ cho công tác bồi thường, GPMB các dự án trên địa bàn tỉnh.

Bộ đơn giá bồi thường được thực hiện trên cơ sở điều tra, khảo sát các loại hình công trình phổ biến ở địa phương kết hợp với các chế độ, chính sách hiện hành về tiền lương, giá nhân công, giá vật liệu và định mức của Nhà nước để xây dựng nên mức giá phù hợp. Hằng năm, bộ đơn giá được cập nhật lại theo biến động về giá vật liệu, nhiên liệu, nhân công và chỉ số giá xây dựng để nhằm phù hợp hơn với thực tế.

Bộ đơn giá bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc năm 2022 được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND ngày 10/2/2022 trên cơ sở tham mưu của Sở Xây dựng, thay thế cho bộ đơn giá bồi thường năm 2021 tại Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND.

Theo đó, bộ đơn giá này được xây dựng vào thời điểm cuối năm 2021 và ban hành đầu năm 2022 trên cơ sở đã cập nhật mức biến động giá vật liệu xây dựng, nhiên liệu, nhân công vào cuối năm 2021, chỉ số giá xây dựng năm 2021 và có tính đến yếu tố trượt giá cho năm 2022.

Nhiều kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời, giải quyết thấu đáo

Giá sắt thép tăng những tháng đầu năm gây khó khăn đối với người dân Hà Tĩnh, nhất là với các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng khi nhiều công trình bị đội vốn.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2022 giá vật liệu xây dựng bình quân trên thị trường có tăng so với năm 2021 do ảnh hưởng của giá xăng dầu và tình hình chính trị thế giới; theo đó mức tăng bình quân của các loại vật liệu chủ yếu như cát, đá, xi măng, sắt thép khoảng 7%.

Tuy nhiên, bộ đơn giá bồi thường nhà cửa vật kiến trúc là một trong những chính sách lớn của tỉnh về công tác bồi thường, mang tính ổn định và áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định để đảm bảo tính thống nhất chung cho các dự án trên cùng một địa bàn hoặc giữa các hộ bị ảnh hưởng trong cùng một dự án, vì vậy việc điều chỉnh đơn giá bồi thường theo biến động giá vật liệu hằng tháng, quý là không phù hợp.

Nhiều kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời, giải quyết thấu đáo

Các công trình, dự án gặp nhiều khó khăn khi giá nguyên, nhiên liệu tăng.

Theo kế hoạch, cuối năm 2022, Sở Xây dựng sẽ rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ đơn giá mới thay thế bộ đơn giá hiện hành tại Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND. Theo đó, sẽ cập nhật tình hình biến động giá VLXD, giá nhân công và chỉ số trượt giá năm 2022 để đảm bảo đơn giá được sát đúng và phù hợp với thị trường để áp dụng cho năm 2023.

Quan tâm thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án

Trong lĩnh vực đầu tư, giao thông, xây dựng và các chương trình, dự án, các vấn đề về thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ; bố trí vốn đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng, nâng cấp, sửa chữa một số công trình, dự án quan trọng, cấp thiết trên địa bàn cũng được cử tri toàn tỉnh quan tâm.

Nhiều kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời, giải quyết thấu đáo

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - TP Hà Tĩnh.

Trước kiến nghị của cử tri về giải pháp đối với việc dự án đường Xô viết Nghệ Tĩnh, TP Hà Tĩnh quy hoạch kéo dài hàng chục năm đến nay chưa triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, việc nghiên cứu, đầu tư tuyến đường Xô viết Nghệ Tĩnh kéo dài đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm.

Cụ thể, Thường trực Tỉnh ủy có chủ trương tại Văn bản số 976-CV/TU ngày 30/5/2022. UBND tỉnh đang giao các sở, ngành nghiên cứu phương án đầu tư để tiếp tục chỉ đạo Sở Giao thông vận tải hoàn thiện các thủ tục đầu tư để trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định (giai đoạn 2022-2025, dự kiến sẽ triển khai tuyến kéo dài về phía Đông với chiều dài khoảng 10,3km; tổng mức đầu tư 1.760 tỷ đồng; đoạn tuyến kéo dài về phía Tây dự kiến triển khai sau năm 2025).

Nhiều kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời, giải quyết thấu đáo

Nghi Xuân có nhiều lợi thế phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là du lịch biển.

Với kiến nghị cử tri về việc xem xét sớm đưa vùng quy hoạch Khu đô thị du lịch Đan Trường - Xuân Hội, huyện Nghi Xuân vào triển khai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, quy hoạch phân khu xây dựng Khu đô thị Du lịch Xuân Trường - Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỷ lệ 1/2000 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3721/QĐ-UBND ngày 12/11/2021 với diện tích 627,37 ha thuộc địa giới hành chính xã Đan Trường và Xuân Hội.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ giao UBND huyện Nghi Xuân phối hợp các sở, ngành tham mưu phương án quy hoạch chi tiết Khu đô thị Xuân Trường - Xuân Hội tỷ lệ 1/500. Đồng thời, sẽ tiếp tục quan tâm xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án trên địa bàn huyện Nghi Xuân nói chung, Khu đô thị du lịch Xuân Trường - Xuân Hội nói riêng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và góp phần phát triển KT-XH của huyện Nghi Xuân.

Nhiều kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời, giải quyết thấu đáo

Dự án Khu nhà ở chức năng Xuân Thành Land - Nguyễn Huy Tự.

Trả lời ý kiến của cử tri TP Hà Tĩnh về tiếp tục thi công dự án Khu nhà ở chức năng Xuân Thành Land trên địa bàn phường Nguyễn Du; đẩy nhanh tiến độ dự án Khu đô thị Nam cầu Phủ tại xã Thạch Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, đối với dự án Xuân Thành Land đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư số 28121000179; chứng nhận đăng ký lần đầu ngày 26/9/2012; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký thay đổi lần thứ 2, ngày, ngày 23/4/2020; Dự án do Công ty CP THAILAND làm chủ đầu tư, Tân Hoàng Minh chỉ là đối tác thực hiện dự án.

Đến nay, dự án đã thi công xây dựng 80% khối lượng hạng mục nhà thấp tầng; hạng mục chung cư 11 tầng đã thi công xong cọc thí nghiệm và đang thi công cọc đại trà, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2022 (theo báo cáo của chủ đầu tư, tổng số vốn đã giải ngân cho hạng mục xây dựng khoảng 155 tỷ đồng).

Thời gian tới, UBND tỉnh giao các sở, ngành theo chức năng, thẩm quyền kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh thi công các hạng mục, sớm hoàn thành toàn bộ dự án đưa vào khai thác đúng kế hoạch.

Nhiều kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời, giải quyết thấu đáo

Phối cảnh tổng thể dự án Khu đô thị Nam cầu Phủ tại xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh.

Dự án Khu đô thị Nam cầu Phủ tại xã Thạch Bình đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại Văn bản số 869/UBND-XD ngày 13/02/2018; phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tại Quyết định số 1697/QĐ-UBND ngày 05/6/2020; ký hợp đồng thực hiện dự án đầu tư số 02/2020/HĐ- ĐTDA ngày 21/9/2020 giữa UBND tỉnh Hà Tĩnh và Công ty CP Tập đoàn T&T.

Đến nay, dự án đã hoàn thành các thủ tục báo cáo tác động môi trường; thiết kế cơ sở công trình hạ tầng kỹ thuật; chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa; đã thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, GPMB 46,2ha/49,91ha (thuộc phần đất nông nghiệp) với tổng số tiền 69,8 tỷ đồng.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Tĩnh, dự án có quy mô lớn ảnh hưởng đến nhiều đối tượng (203 hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp và 128 hộ bị thu hồi đất ở thuộc diện bố trí tái định cư và bồi thường bằng đất), hiện chưa thống nhất được phương án khả thi bồi thường, tái định cư đối với phần đất ở này.

Để xử lý khó khăn vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3039/UBND-XD ngày 09/6/2022 chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện một số nhiệm vụ; đồng thời theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện và hoàn thành dự án.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cũng đã làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm liên quan đến các chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; công tác quy hoạch, xây dựng; xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; phương án xử lý một số trụ sở của các sở, ban ngành không sử dụng để hoang hóa, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cũng cam kết, thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo hiệu quả đối với các nội dung đã báo cáo với cử tri.

Chủ đề HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast