Sẽ đưa ra khỏi bộ máy 100.000 công chức?

Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế để lấy ý kiến người dân và các bộ, ngành địa phương. Theo đó từ năm 2014-2020 sẽ tinh giản 100.000 người. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng việc tinh giản một số lượng người quá lớn như vậy trong cơ quan Nhà nước là rất khó khăn nếu không đề ra các giải pháp quyết liệt.

Năng lực yếu cũng sẽ bị tinh giản

Theo dự thảo tờ trình Chính phủ, trong vòng 6 năm (từ 2014-2020) sẽ thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người. Trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.

Với giải pháp cụ thể con số tinh giản sẽ không còn là con số ảo

Với giải pháp cụ thể con số tinh giản sẽ không còn là con số ảo

Theo lộ trình cải cách tiền lương, dự kiến mức lương tối thiểu sẽ tăng hằng năm nếu tinh giản được biên chế. Việc dự kiến kinh phí bình quân cho việc tinh giản cũng được nêu một cách cụ thể trong nghị định. Cụ thể, một người nghỉ hưu trước tuổi nhà nước sẽ chi khoảng 75 triệu đồng, một người thôi việc khoảng 90 triệu đồng. Tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với gần 100.000 cán bộ, công chức, viên chức nói trên trong vòng 6 năm sẽ khoảng 8.000 tỉ đồn.

Dự thảo nghị định cũng bổ sung một số quy định về trường hợp tinh giản cụ thể như sau: Thứ nhất, những người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nhưng không thể bố trí việc làm khác. Quy định này nhằm giúp việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng ngành, nghề đào tạo.

Thứ hai, những người có hai năm liên tiếp được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, hoặc có hai năm liên tiếp, trong đó có một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và một năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho việc đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp có năng lực yếu qua việc đánh giá, phân loại hằng năm để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ ba, người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn nhà nước nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới. Với những quy định cụ thể, chặt chẽ như vậy, Bộ Nội vụ kì vọng việc tinh giản biên chế sẽ "thuận buồm xuôi gió” chứ không phải là con số âm như trước đây.

Không giảm biên chế không thể cải cách tiền lương

Góp ý kiến vào dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế nhiều chuyên gia cho rằng, nghị định đã đưa ra số lượng người cụ thể cần tinh giản, đối tượng cần tinh giản chứ không quy định chung chung như nghị định 132 về tinh giản biên chế trước đây. Với giải pháp cụ thể, hy vọng con số tinh giản sẽ không còn là con số ảo bởi trong nghị định nêu rõ trong tổng số 100.000 người được tinh giản phải có ít nhất 20% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Tiêu chí đánh giá công chức không hoàn thành nhiệm vụ cũng đã được quy định chặt chẽ hơn trước đây, không cần chờ đến 5 năm mà thậm chí chỉ cần 2 năm công chức được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ nhưng yếu về năng lực cũng đưa vào diện tinh giản biên chế.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn cho rằng: Nghị định đã bàn đến những giải pháp cụ thể đối tượng tinh giản, mức chi phí cụ thể cho mỗi đối tượng cần tinh giản. Tuy nhiên, để biên chế giảm thực sự cần những giải pháp quyết liệt hơn nữa.

Ông Phan Diễn có đưa ra một ví dụ về đất nước Trung Quốc đã từng quyết liệt tinh giản 1 nửa biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước khá thành công. Theo đó, nước bạn đã giao chỉ tiêu cho từng bộ, ngành địa phương tự xây dựng đề án tinh giản một nửa biên chế của đơn vị mình. Sau khi các phương án được trình lên được hội đồng thẩm định đúng đối tượng nào cần được giảm, đối tượng nào cần giữ lại người ta mới xét đến chế độ tiền hoặc phương thức tìm việc làm mới cho những đối tượng này thế nào?

Theo ông Phan Diễn dù việc tinh giản biên chế đã giảm một số lượng lớn cán bộ trong bộ máy nhà nước vậy mà phải mất 10 năm sau những cán bộ còn gắn bó với cơ quan nhà nước mới được tăng lương. Vì vậy, ngay cả việc tinh giản 100.000 biên chế cũng chưa thể lập tức tăng lương. Tuy nhiên, nếu không quyết liệt tinh giản đội ngũ quá cồng kềnh tại các cơ quan nhà nước thì ước vọng tăng lương của công chức sẽ trở thành mục tiêu xa vời.

Nguồn: Đại đoàn kết

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast