Thành công bước đầu từ mô hình nhất thể hóa cán bộ xã ở Can Lộc

Sau hơn một năm thực hiện chủ trương xây dựng mô hình Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND xã ở 3 xã điểm, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng. Với việc tinh gọn về bộ máy và thủ tục hành chính, mô hình đã mang lại kết quả thiết thực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khi thực hiện cơ cấu chức danh người đứng đầu theo hình thức “hai trong một”.,

Xã Khánh Lộc là một trong 3 đơn vị được chọn làm điểm tiến hành xây dựng mô hình nhất thể hóa Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã. Sau một năm thực hiện mô hình, phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành của xã có nhiều đổi mới theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả; phong trào phát triển của Khánh Lộc cũng có những bước tiến mới.

Xã Khánh Lộc (Can Lộc) đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất
Xã Khánh Lộc (Can Lộc) đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất

Theo ông Mai Khắc Tám - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc, với mô hình nhất thể hóa, tinh thần trách nhiệm “dám nghĩ, dám làm” của người đứng đầu được hoàn thiện, theo đó, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền cũng được nâng cao. Những tồn tại trước đây, trong đó có việc phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền để giải quyết các vấn đề phức tạp của địa phương cũng được khắc phục… Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước được tiếp thu và triển khai kịp thời. Đảng bộ và nhân dân Khánh Lộc đang sôi nổi trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Khánh Lộc là một trong những địa phương đầu tiên ở Hà Tĩnh thực hiện quy hoạch hệ thống giao thông nông thôn với gần 100% hộ dân ký cam kết và đã triển khai cắm hàng ngàn cột mốc phân giới. Xã cũng là địa phương đi đầu của huyện Can Lộc trong phong trào cơ giới hóa nông nghiệp, với trên 100 máy cày đa chức năng, 4 máy gặt đập liên hợp và nhiều loại phương tiện cơ giới khác được đưa vào sản xuất nông nghiệp.

Cũng như Khánh Lộc, các xã Gia Hanh và Tùng Lộc cũng đã có được những thành công trong việc triển khai mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã ở Can Lộc. Qua hơn một năm thực hiện, các địa phương đã khẳng định được những kết quả rõ nét như: bộ máy gọn nhẹ, việc lãnh đạo, quản lý và điều hành tập trung, thống nhất, nhanh chóng, kịp thời và không bị chống chéo, ách tắc từ chủ trương đến khâu triển khai, đặc biệt là tạo được khối đoàn kết nội bộ giữa Đảng ủy và chính quyền.

Bà con nông dân xã Gia Hanh chăm sóc cây vụ đông
Bà con nông dân xã Gia Hanh chăm sóc cây vụ đông

Ông Nguyễn Khắc Thuần - Bí thư Chi bộ xóm 1, xã Gia Hanh nhận xét: “Từ khi thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch, mọi phong trào của xã, của xóm cơ bản được phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, việc triển khai các chủ trương, nghị quyết, sự chỉ đạo, điều hành từ xã xuống xóm kịp thời, thông suốt và đồng nhất, dẫn đến việc thực hiện ở thôn xóm có phần thuận lợi hơn, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình rất cao”.

Xã Gia Hanh có ½ dân số là đồng bào giáo dân. Trong năm đầu triển khai thực hiện xây dựng mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã, Gia Hanh đã phát huy tốt truyền thống đoàn kết lương giáo, thực hiện thành công chủ trương chuyển đổi đất lần 2 với trên 70% số hộ dân canh tác trên một thửa ruộng. Xã đã hoàn thành GPMB phục vụ thi công 5 km đường liên xã qua địa bàn xã với 183 hộ ảnh hưởng, trong đó chỉ phải chi trả cho 17 hộ thuộc diện ảnh hưởng nhà cửa với 92 triệu đồng, còn lại bà con đều đồng tình hiến đất cho công trình. Xã cũng là đơn vị được huyện chọn đi báo cáo thành tích tại Hội nghị tổng kết mô hình Dân vận của tỉnh.

Bí thư Huyện ủy Can Lộc Bùi Đức Hạnh cho biết, việc thí điểm nhất thể hóa Bí thư kiêm Chủ tịch là cách làm mới, lại tiến hành vào thời điểm cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng cơ sở và HĐND. Đây cũng là thời điểm nhạy cảm về tư tưởng, nguyện vọng đối với cán bộ, đảng viên ở cơ sở nên đặt ra những thách thức không nhỏ trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh; thực hiện đảm bảo quy trình; lựa chọn đơn vị thí điểm phù hợp nên những kết quả đã gặt hái được trong một năm triển khai mô hình là rất đáng phấn khởi. Đây chính là nền tảng quan trọng để Can Lộc tiếp tục chỉ đạo nhân rộng trong thời gian sắp tới.

Mô hình nhất thể hóa Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã ở huyện Can Lộc đã khẳng định chủ trương đúng đắn và có tính khả thi cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế nảy sinh như: quá trình triển khai chưa có văn bản, hướng dẫn cụ thể về qui trình cũng như các bước thực hiện; lãnh đạo ở các địa phương được chọn làm điểm chưa được tập huấn, bồi dưỡng; chưa có hướng dẫn về đội ngũ cán bộ giúp việc cho bí thư, chủ tịch UBND xã; đặc biệt, chưa có chế độ đãi ngộ đối với chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch…

Để mô hình nhất thể hóa tiếp tục phát huy được hiệu quả bền vững và được nhân rộng không chỉ riêng ở Can Lộc, thiết nghĩ cần có sự quan tâm và đầu tư hợp lý hơn từ phương pháp chỉ đạo thực hiện đến đảm bảo nguồn kinh phí. Cụ thể là kịp thời ban hành hướng dẫn về qui trình và các bước tổ chức thực hiện; có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ cơ sở; tạo điều kiện cho lãnh đạo chủ chốt các địa phương làm điểm và trong quy hoạch đi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm; có chế độ phù hợp cho chức danh kiêm nhiệm và chính sách đầu tư về cơ sở vật chất cho các địa phương xây dựng mô hình… Có như vậy, mới thực sự nâng cao được hiệu quả và hiệu lực trong xây dựng mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, góp phần thực hiện chủ trương cải cách bộ máy, thủ tục hành chính hiện nay, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast