Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Linh hoạt ứng phó, không được chủ quan với ATNĐ sắp mạnh lên thành bão

(Baohatinh.vn) - Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các đơn vị, địa phương, trong đó có Hà Tĩnh tập trung ứng phó hiệu quả, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân.

Chiều 18/9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp trực tuyến về ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt – Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và 13 huyện, thị xã, thành phố.

bao-so-5.jpg
Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13h ngày 18/9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16.8 độ Vĩ Bắc, 112.8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 136km; sức gió mạnh nhất cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9. ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15km/h.

dbqg-xtnd-20240917-0200-7075.gif
Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới được dự báo mạnh lên thành bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão (bão số 4) ảnh hưởng tới nước ta, cường độ cấp 8, giật cấp 10. Bão nhiều khả năng đổ bộ từ khu vực Quảng Bình - Đà Nẵng. Hà Tĩnh được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 4.

Do ảnh hưởng của bão số 4, vùng biển Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h); sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m; biển động mạnh.

Trên đất liền, từ gần sáng và ngày 19/9, vùng đất liền ven biển của tỉnh có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h); sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.

tau-thuyen.jpg
Tàu thuyền đang neo đậu tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà.

Từ ngày 18/9 đến ngày 21/9, ở khu vực Hà Tĩnh có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm.

Trước áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ mạnh thành bão số 4, lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương, người dân các tỉnh miền Trung đang cấp tập chuẩn bị ứng phó.

Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó với ATNĐ. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trưởng các đoàn kiểm tra trực tiếp xuống các địa phương, đơn vị, căn cứ diễn biến ATNĐ, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão; giao các lực lượng quân sự, biên phòng, công an thường trực 100% quân số để ứng phó, điều động khi có yêu cầu.

bao-so-1.jpg
Gió lớn gây tốc mái nhà dân ở xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên.

BĐBP tỉnh phối hợp với ngành chức năng, địa phương và gia đình thông tin về ATNĐ tới các chủ 3.651 tàu, thuyền với 10.666 lao động để chủ động vào nơi tránh trú an toàn. Hiện chỉ còn 6 phương tiện/28 lao động đang hoạt động trên biển, lực lượng chức năng đang tích cực kêu gọi vào bờ neo đậu.

Hà Tĩnh đã hoàn thành thu hoạch lúa hè thu; diện tích bưởi đã thu hoạch đạt 83%; diện tích cam 7.420ha đang bước vào thời kỳ quả chín, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người dân có các giải pháp chằng chống đảm bảo an toàn; diện tích thủy sản đang nuôi khoảng 4.011 ha, sản lượng chưa thu hoạch ước khoảng 4.354 tấn.

Ngay từ đầu năm, tỉnh cũng đã xây dựng 4 kịch bản sơ tán theo cấp độ ảnh hưởng của bão. Tùy theo diễn biến của bão, tỉnh sẽ ban hành lệnh sơ tán dân và giao các địa phương, đơn vị tổ chức sơ tán đến nơi an toàn.

z5839323369108-2a0fc204ae15f6ed21542a83c02138bd-4886.jpg
Người dân Hà Tĩnh gia cố lồng bè nuôi thủy sản tránh ảnh hưởng của bão số 4.

Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo ngay cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để chủ động phòng tránh; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố; giao Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tùy theo diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, chủ động cấm biển để đảm bảo an toàn cho người và tài sản...

Rà soát ngay các vị trí có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, sơ tán đến nơi an toàn; chuẩn bị phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu để ứng phó với thiên tai; tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao; kiểm tra, rà soát và triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập...

Ứng phó bão số 4 với tinh thần chủ động, tập trung cao nhất

Qua nghe Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin về ATNĐ cùng công tác ứng phó của các đơn vị, địa phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc chủ động, có trách nhiệm của các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương.

bao-5906.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Báo TN&MT

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, dù bão số 4 được dự báo không mạnh như bão số 3, tuy nhiên, các đơn vị, địa phương từ Trung ương tới địa phương tuyệt đối không được chủ quan, mà phải tập trung ứng phó với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao nhất nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản cho người dân.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về diễn biến của ATNĐ cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó theo quy định.

Lực lượng chức năng, nhất là BĐBP tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kêu gọi tàu, thuyền còn hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không cho ngư dân ra khơi trong lúc sóng to, gió lớn.

Rà soát những nơi nguy hiểm, khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, trên lồng bè, chòi canh đánh bắt, nuôi thủy sản, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ quét, ngập lụt để sẵn sàng di dời, sơ tán người dân tới vùng an toàn; chủ động kiểm tra, có phương án khắc phục hiệu quả tình trạng ngập úng đô thị khi mưa lớn.

Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Các chủ hồ, đập thuỷ điện, hồ chứa thủy lợi triển khai các nội dung phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, đảm bảo vận hành an toàn công trình và khu vực hạ du các hồ chứa trên địa bàn tỉnh.

bao-so-4.jpg
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt – Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão.

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

Ứng phó bão số 3 với tinh thần chủ động cao nhất

Ứng phó bão số 3 với tinh thần chủ động cao nhất

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu tất cả các đơn vị, địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 3, trong đó có Hà Tĩnh cần tập trung với tinh thần chủ động cao nhất để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do bão, hoàn lưu bão gây ra.
Đổi thay trên vùng đất Kỳ Hoa

Đổi thay trên vùng đất Kỳ Hoa

Suốt chặng đường lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và Nhân dân xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn đoàn kết, sáng tạo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng ICT Index

Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng ICT Index

Năm 2024 là năm thứ 14 liên tiếp thành phố Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng ICT Index. Đây là nỗ lực rất lớn của chính quyền thành phố Đà Nẵng trong phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành, kết nối hạ tầng số.