Công tác tư tưởng - văn hóa góp phần tạo sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng và quần chúng Nhân dân

(Baohatinh.vn) - Mùa thu này, ngành Tuyên giáo của Đảng tròn 90 tuổi. Ngành Tuyên giáo Hà Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng đã có đóng góp vào những thắng lợi vẻ vang mà đất nước ta giành được trong suốt chặng đường 90 năm qua.

Hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng 1/8 (1930-2020)

Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những chặng đường phát triển vẻ vang của ngành Tuyên giáo Hà Tĩnh.

Công tác tuyên giáo của Đảng bộ Hà Tĩnh giai đoạn 1954-1965 tập trung tuyên truyền việc triển khai thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng, gắn liền với tuyên truyền, vận động công cuộc sửa sai và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, 11… Đồng thời với việc tổ chức học tập nghị quyết, chính sách của Đảng, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có chủ trương tổ chức kỷ niệm hoạt động các ngày lễ lớn; tăng cường các hình thức tuyên truyền để chống âm mưu hành động phá hoại của kẻ thù, giữ vững tình hình ANTT ở địa phương với các hình thức tuyên truyền như phát hành các tờ tin, khẩu hiệu, phát thanh, văn nghệ; tổ chức tuyên truyền lưu động, có lực lượng văn nghệ tham gia; tổ chức nói chuyện; mở lớp huấn luyện; in ấn và phát hành tài liệu…

Công tác tư tưởng - văn hóa góp phần tạo sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng và quần chúng Nhân dân

Trận đánh tại núi Nài ngày 26/3/1965 là thắng lợi mở đầu của quân dân Hà Tĩnh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh tư liệu

Công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng bộ đã góp phần tạo sự đoàn kết nhất trí trong Đảng và quần chúng, ổn định tình hình tư tưởng, bồi dưỡng, nâng cao niềm tin vào Đảng và Chính phủ, động viên mọi người hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, đưa tỉnh nhà bước vào một giai đoạn cách mạng mới.

Công tác tuyên truyền giáo dục của Đảng bộ trong những năm 1958-1960 tập trung động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua, hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển KT-XH. Đảng bộ đã tuyên truyền tổ chức cho Nhân dân học tập, quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về thuế, đi dân công, thực hiện nghĩa vụ quân sự... Những sinh hoạt chính trị lớn được tổ chức và tiến hành rộng rãi với nhiều hình thức đã góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về tình hình nhiệm vụ, củng cố niềm tin, ý chí cách mạng trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân...

Phong trào văn hóa - văn nghệ đi vào chiều sâu; việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được Đảng bộ, chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm đúng mức. Hoạt động của đội ngũ cán bộ KHKT trên địa bàn tỉnh đã đi vào quy củ. Bộ máy tuyên huấn các cấp của Đảng bộ được củng cố, ngày càng cải tiến nội dung, phương thức hoạt động nên chất lượng công tác được nâng lên rõ rệt, làm tròn vai trò tham mưu cho cấp ủy trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.

Giai đoạn 1961-1965, nhiệm vụ công tác tuyên huấn của Đảng bộ là tuyên truyền rộng rãi cho cuộc vận động chỉnh huấn, nhằm tạo chuyển biến mới về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, làm cho mọi người phấn khởi, hăng hái đẩy mạnh thi đua thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ở Hà Tĩnh: các lớp chỉnh huấn, lớp học tập quán triệt nghị quyết được triển khai; công tác giáo dục công nhân được chú trọng. Các đợt thi đua “Gióng trống phất cờ, mọi mặt tiến quân, mùa xuân đại thắng”, “Rửa hận Đa Bàn, trả thù cho đồng bào Phương Mới”, chiến dịch “Chiến thắng An Khê”, phong trào “Học tập Duyên Hải, thi đua với Duyên Hải”, phong trào “Những người tình nguyện vượt mức kế hoạch nhà nước 5 năm”... diễn ra sôi nổi, góp phần làm thay đổi tình hình của địa phương, đơn vị.

Ngày 25/7/1962, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có Nghị quyết số 20 về việc phát hành tờ báo của Đảng bộ tỉnh và ra số đầu tiên vào ngày 2/9/1962. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành trong công tác báo chí của Đảng bộ, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các ngành, đoàn thể, đáp ứng yêu cầu về thông tin trên các mặt đời sống xã hội; góp phần cổ vũ, động viên phong trào quần chúng Nhân dân trong tỉnh thi đua hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Năm 1961, đài truyền thanh các huyện bắt đầu được xây dựng, nhằm thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình trong tỉnh, trong nước đến với mọi tầng lớp Nhân dân. Trong phong trào “Học tập Bắc Lý thi đua hai tốt” đã xuất hiện lá cờ đầu Cẩm Bình - điển hình giáo dục toàn diện theo mục tiêu đào tạo và phương châm giáo dục của Đảng. Nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe Nhân dân được Đảng bộ, chính quyền các cấp và ngành y tế thường xuyên chú trọng. Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển rộng rãi, góp phần động viên mọi người, mọi ngành hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, học tập. Công tác chỉnh huấn, vận động chính trị, vận động sản xuất được tổ chức hàng năm, đã góp phần nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ thêm một bước, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trên các lĩnh vực.

Song song với việc đẩy mạnh các hoạt động, bộ máy tổ chức, biên chế của ban tuyên huấn các cấp đã được kiện toàn, củng cố. Tháng 4/1962, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng trực thuộc Tỉnh ủy Hà Tĩnh được thành lập. Năm 1963, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được đổi thành Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Bộ máy tuyên giáo được kiện toàn, củng cố và tăng cường cả về số lượng biên chế cũng như phương thức hoạt động từ tỉnh đến huyện.

Hoạt động của Ban Tuyên giáo đã góp phần to lớn vào những thành tựu của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), chuẩn bị đầy đủ cả về tư tưởng và tổ chức, về tiềm lực kinh tế, quốc phòng để cùng với quân dân miền Bắc bước vào một thời kỳ cách mạng mới đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt - thời kỳ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xây dựng hậu phương và chi viện tiền tuyến đánh bại kẻ thù.

Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(Còn nữa)

Chủ đề 90 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast