Đây là thời điểm cần thiết để ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu

Sáng 7/6, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xử lý nợ xấu

Đại biểu Nguyễn Sơn (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) cho rằng, vấn đề nợ xấu của chúng ta hiện nay không chỉ là chuyện riêng ngành ngân hàng mà cả nền kinh tế. Giải quyết nợ xấu cần sự vào cuộc của hệ thống khách hàng, ngân hàng và cả hệ thống chính trị.

day la thoi diem can thiet de ban hanh nghi quyet ve xu ly no xau

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) góp ý kiến trong phiên thảo luận hội trường sáng nay. Ảnh: Nam Nguyễn.

"Đây là thời điểm cần thiết để chúng ta ban hành Nghị quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Nghị quyết phải có cơ sở pháp lý để giải quyết nợ xấu và hệ thống hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu. Xử lý được nợ xấu sẽ làm khơi thông, an toàn và lành mạnh hệ thống ngân hàng" - Đại biểu Nguyễn Sơn cho hay.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhấn mạnh, để Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn cần đánh giá tác động xã hội khi ban hành nghị quyết vì có một số biện pháp mang tính chế tài như thu giữ tài sản. Muốn nghị quyết khả thi và có sự đồng thuận cao thì nên hình dung trước được khó khăn thách thức để có giải pháp phù hợp.

Ví dụ được Đại biểu Mai đưa ra đó là xử lý tài sản bảo đảm, cần cân nhắc thêm để hài hoà lợi ích. Theo nghị quyết, thời hạn thu giữ tài sản tương đối ngắn (10 ngày). Vì thế, cần có thêm thời gian để người bị thu hồi thu xếp nơi ở mới, nhất là đối người già, trẻ em.

Không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu

Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận hội trường sáng nay cũng thống nhất rằng, không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Cũng theo Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), Chính phủ cần công khai minh bạch các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu, cần tránh chuyển chéo nguồn trong xử lý nợ xấu.

Liên quan đến thời hạn thi hành nghị quyết, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng ban hành nghị quyết để xử lý những vấn đề cấp bách nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Thời hạn hiệu lực của nghị quyết nếu chỉ trong 5 năm là không hợp lý. Nếu chưa có luật thì chúng ta vẫn phải dùng nghị quyết để điều chỉnh, vì nợ xấu có thể vẫn phát sinh.

Đại biểu Trương Anh Tuấn, Nam Định, nhấn mạnh, nợ xấu là tham số quan trọng phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Năm 2013, Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được triển khai, sau đó Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC ra đời.

Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn, chính vì vậy trong thời gian tới, việc xử lý nợ xấu cần được công khai minh bạch để nhằm xử lý triệt để hơn nữa. Đại biểu Tuấn cũng tán thành với nội dung tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổ chức mua bán nợ xấu được quyền bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá thị trường đảm bảo quy định của pháp luật.

Theo Tổ quốc

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast