Hà Tĩnh kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

(Baohatinh.vn) - Các thế hệ dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu (xã Kim Song Trường, Can Lộc) luôn có sự kế tục, trao truyền, kết tinh và lan tỏa nhiều giá trị truyền thống, để lại nhiều di sản văn hóa rực rỡ. Sau Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ, Hà Tĩnh lại tự hào khi có thêm di sản tư liệu thế giới thứ 3 là Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.

Hà Tĩnh kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

Trước giờ diễn ra buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và các đại biểu tham quan trưng bày di sản văn hóa làng Trường Lưu.

Sáng nay (24/6), tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 310 năm Năm sinh Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 - 2023), 280 năm Năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Tự (1743 - 2023), 240 năm Năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Hổ (1783 - 2023) và đón Bằng công nhận Văn bản Hán Nôm Làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng; đại diện lãnh đạo Vụ Ngoại giao văn hoá và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL); đại diện lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình.

Về phía Hà Tĩnh có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện các sở, ban, ngành; cấp uỷ, chính quyền huyện Can Lộc và xã Kim Song Trường; đại diện các dòng họ Nguyễn Huy, dòng họ Hoàng Văn, dòng họ Trần Văn ở xã Kim Song Trường.

Hà Tĩnh kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham dự buổi lễ.

Mở đầu buổi lễ, các đại biểu đã được thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc với các tác phẩm: “Rạng ngời đất học Trường Lưu”, “Hà Tĩnh quê mình”, “Phường Vải đêm trăng”, “Cùng em về Hà Tĩnh”, “Quê tôi ngày mới”. Các tiết mục khắc họa rõ nét về mảnh đất, con người, truyền thống văn hoá của làng Trường Lưu nói riêng và Hà Tĩnh nói chung; những thành tựu, khát vọng của người dân núi Hồng sông La trên con đường xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp.

Hà Tĩnh kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

Chương trình văn nghệ tại buổi lễ.

Hà Tĩnh kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

Tiết mục: “Rạng ngời đất học Trường Lưu”

Hà Tĩnh kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

Ca sỹ Hoài Thu trình bày ca khúc “Hà Tĩnh quê mình”.

Hà Tĩnh kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

Tốp ca nam nữ trình bày tiết mục “Phường vải đêm trăng”.

Hà Tĩnh kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

Trình bày diễn văn tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh: Hà Tĩnh là vùng địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử - văn hoá, là nơi hội tụ nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được cả nước và thế giới biết đến, như: Ca trù, Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là 3 di sản tư liệu Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.800 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 86 di tích cấp quốc gia và 550 di tích cấp tỉnh.

Hà Tĩnh kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu trình bày diễn văn tại buổi lễ.

Hòa chung dòng chảy lịch sử dân tộc, dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu - có nhiều danh nhân tiêu biểu, đóng góp nhiều thành tựu trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, chính trị, ngoại giao, lịch sử, địa lý, y học… Các thế hệ dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu luôn có sự kế tục, trao truyền, kết tinh và lan tỏa nhiều giá trị truyền thống, để lại nhiều di sản văn hóa rực rỡ cho đến ngày nay.

Hà Tĩnh kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ôn lại thân thế, cuộc đời và những đóng góp to lớn của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, danh nhân Nguyễn Huy Tự, danh nhân Nguyễn Huy Hổ trên các lĩnh vực.

Nguyễn Huy Oánh tên húy là Xuân, hiệu là Lựu Trai, tự Kính Hoa, sinh ngày 17 tháng Chín năm Quý Tỵ (1713). Năm Nhâm Tý (1732), Nguyễn Huy Oánh đỗ đầu thi Hương. Năm 1744, ông nhận chức Tri huyện huyện Cảnh Thuần. Năm 1747, được thăng chức Tri phủ phủ Trường Khánh. Năm 1748, Nguyễn Huy Oánh đỗ Đình nguyên Thám hoa.

Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Huy Oánh được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình. Năm 1749, ông làm Tham mưu đạo Thanh Hoa, năm 1750 làm Hiệp đồng đạo Nghệ An. Năm 1753, ông được cử làm Đề điệu Khâm sai các trường thi Hương ở hai xứ Hải Dương và Yên Quảng. Năm Ất Dậu 1765, ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh, trong chuyến đi này, ông soạn bộ Hoàng Hoa sứ trình đồ, đã được ghi danh là Di sản tư liệu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2018.

Năm 1768, Nguyễn Huy Oánh được thăng chức Hữu Thị lang bộ Lại. Đầu năm 1778, Nguyễn Huy Oánh chuyển sang giữ chức Tả thị lang bộ Lại. Năm Kỷ Hợi 1779, ông được thăng chức chức Đô Ngự sử.

Ngày 26 tháng Bảy năm 1783, triều đình phong Nguyễn Huy Oánh là Uyên Phổ Hoằng Dụ Đại Vương, được thờ sống tại quê nhà. Cũng trong năm này, ngày 29 tháng Mười, triều đình sắc phong ông giữ chức Thượng thư bộ Binh và bộ Lễ, bậc Thượng trụ quốc hạng nhất, Quốc Tử Giám Tế tửu, mà không phải ra triều đình làm việc. Ngày mồng Chín tháng Năm năm Kỷ Dậu (1789), Nguyễn Huy Oánh mất ở quê nhà, thọ 77 tuổi.

Ngoài sự nghiệp chính trị, Nguyễn Huy Oánh để lại một khối lượng trước tác đồ sộ với các tác phẩm tiêu biểu như Hoàng Hoa sứ trình đồ,Huấn nữ tử ca, Phụng sứ Yên đài tổng ca, Bắc dư tập lãm… Nguyễn Huy Oánh cũng chính là một trong những người có công đầu trong việc tạo lập nên Phúc Giang thư viện, sáng tạo nên di sản Mộc bản Trường học Phúc Giang.v.v.

Nguyễn Huy Tự là con trai trưởng của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, ông có tên tự là Hữu Chi, hiệu Uẩn Trai, sinh ngày 3 tháng 9 năm Quý Hợi (1743). Năm 1759, lúc mới 17 tuổi, Nguyễn Huy Tự đỗ thứ năm khoa thi Hương trường Nghệ An, lúc này thân sinh là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đang giữ chức Nhập nội thị giảng triều Cảnh Hưng. Sau khi thi đỗ, Nguyễn Huy Tự được giao giữ chức Thị nội văn chức.

Năm Đinh Hợi (1767), Nguyễn Huy Tự nhận chức Hồng lô tự thừa rồi làm Tri phủ Quốc Oai - Sơn Tây. Năm Canh Dần (1770) ông dự thi Hội, đỗ Tam trường và được bổ làm Hiến sát phó sứ xứ Sơn Nam.

Năm 1778, ông giữ chức Trấn thủ xứ Hưng Hóa, năm 1782 làm Thanh hình Hiến sát sứ Sơn Tây, năm sau được phong tước Uẩn Đình hầu, Hàn lâm viện Hiệu lý, Đốc đồng Sơn Tây. Năm 1783, ông xin về quê chịu tang mẹ vợ, rồi ở lại quê nhà, cùng tham gia công việc giảng dạy ở Phúc Giang thư viện.

Giữa năm 1788, ông vào Phú Xuân làm quan với triều Tây Sơn, giữ chức Hữu tham tri bộ Binh. Mùa Xuân năm 1789, lúc vua Quang Trung kéo quân ra Bắc, Nguyễn Huy Tự được giao ở lại giữ kinh thành Phú Xuân. Ông bị bệnh và mất ngày 27 tháng Bảy năm 1790, thọ 47 tuổi.

Nguyễn Huy Tự để lại tác phẩm Truyện Hoa tiên - một tác phẩm quan trọng đánh dấu quá trình phát triển của nền văn học Việt Nam trung đại. Tác phẩm này là câu chuyện tình yêu tự do đầu tiên được ghi lại trong kho tàng văn học thành văn ở nước ta, là “truyện thơ Nôm bác học đầu tiên có tên tác giả của văn học Việt Nam thế kỷ 18”. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã từng nhận xét: "Truyện Kiều đứng ở vị trí số một, Hoa tiên đứng ở vị trí thứ 101, ở giữa không có một tác phẩm nào cả".

Nguyễn Huy Hổ là con trai thứ 3 của Nguyễn Huy Tự, húy là Nhậm, tên chữ là Liêm Pha, hiệu là Hy Thiệu, sinh ngày 21 tháng 8 năm Quý Mão 1783.

Tuy sinh ra trong thời kỳ đất nước có nhiều biến động, giáo dục và khoa cử Nho học bị gián đoạn nhưng Nguyễn Huy Hổ sớm nổi lên là một thanh niên thông tuệ hơn người. Được thừa hưởng truyền thống giáo dục, học hành của gia đình, ông hiểu biết sâu rộng cả nho, y, lý, số và đặc biệt là bốc thuốc trị bệnh cứu người. Sau năm 1820, khi hết chịu tang mẹ, lúc này đã gần 40 tuổi ông mới vào làm quan với triều Nguyễn, giữ chức Linh đài lang ở Khâm Thiên giám hơn một năm, đến ngày 20 tháng 8 năm 1841 thì mất, ông thọ 59 tuổi.

Nguyễn Huy Hổ để lại tác phẩm Mai đình mộng ký - một tác phẩm thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo đầy nỗ lực của Nguyễn Huy Hổ trong việc kế thừa, cách tân thể loại truyện Nôm, đưa truyện thơ Nôm gần gũi hơn với cuộc sống, phả vào tác phẩm hơi thở của thời đại.

Hà Tĩnh kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

Từ thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, danh nhân Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, có thể thấy dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng môi trường văn hóa, kiến tạo các giá trị văn hóa cho quê hương và lan tỏa các giá trị văn hóa ấy ra khắp vùng Hồng Lam.

Trải qua sự biến thiên của lịch sử, không gian văn hóa làng Trường Lưu vẫn lưu giữ được giá trị đặc sắc với nhiều trầm tích, góp phần làm phong phú thêm truyền thống văn hóa của quê hương, đóng góp xứng đáng vào hệ thống di sản văn hóa của dân tộc. Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hóa của cha ông là một việc làm thiết thực và ý nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Với sự tâm huyết, dày công, trách nhiệm của các thế hệ con cháu trong dòng họ và sự quan tâm của tỉnh, của Trung ương, tháng 11 năm 2022, Văn bản Hán Nôm Trường Lưu vinh dự được ghi vào danh sách di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là bộ sưu tập gồm các sắc phong của triều Hậu Lê, triều Nguyễn nhằm tôn vinh, ban tặng, phong chức cho một số người dân thuộc các dòng họ Nguyễn Huy, họ Trần, Hoàng, Phan thuộc làng Trường Lưu… Các văn bản này được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm trên giấy dó và lụa trong quãng thời gian từ năm 1689 đến 1943. Những văn bản này hiện là những tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục, mỗi tư liệu là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay, Trường Lưu là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam có 3 di sản được ghi danh là di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây thực sự là vinh dự lớn của dòng họ Nguyễn Huy, của người dân làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh. Các tư liệu này mãi là nguồn tài sản vô giá mà các bậc tiền nhân đã để lại cho hậu thế chúng ta.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thông tin, hiện nay, cùng với tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo QP-AN, Hà Tĩnh đang chú trọng việc đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hoá, du lịch nhằm đảm bảo sự phát triển hài hoà, bền vững; hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trên địa bàn được quan tâm, bảo tồn và phát huy, góp phần giáo dục truyền thống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hà Tĩnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế để cùng với nội lực của địa phương, góp phần đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển nhanh và bền vững...

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương chúc mừng Hà Tĩnh khi Văn bản Hán Nôm Trường Lưu được ghi vào danh sách di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Hà Tĩnh kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại buổi lễ.

Việc Hà Tĩnh long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 310 năm năm sinh Nguyễn Huy Oánh, 280 năm năm sinh Nguyễn Huy Tự, 240 năm năm sinh Nguyễn Huy Hổ, công bố Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là sự kiện văn hóa quan trọng, minh chứng sinh động cho ý thức kế thừa, nối tiếp và tôn vinh các bậc hiền nhân của tỉnh, của đất nước.

Để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Trường Lưu và của tỉnh Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đề nghị tỉnh cần khẩn trương quy hoạch Làng Văn hóa Trường Lưu, có kế hoạch tổng thể về bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh; tranh thủ các nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu, vinh danh các di sản của tỉnh, của làng Trường Lưu; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản; tập trung khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị tại khu lưu niệm Nguyễn Du, khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích, các khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú và Hà Huy Tập, đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn; phối hợp với tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành phố trong cả nước bảo tồn dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, trò Kiều…

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cũng mong muốn các dòng họ, các chủ sở hữu di sản tiếp tục chung tay, góp sức với Nhà nước để bảo vệ, khai thác thật hiệu quả, khoa học tổng thể kho tàng di sản văn hoá của dân tộc, coi đó là niềm vinh dự, tự hào, là trách nhiệm lớn lao của mỗi người dân đối với quê hương, đất nước.

Ngay sau phát biểu, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương đã trao bằng chứng nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho tỉnh Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương đã trao bằng chứng nhận...

Hà Tĩnh kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

... và tặng hoa chúc mừng tỉnh Hà Tĩnh, huyện Can Lộc và dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu.

Sau lễ kỷ niệm là lễ rước bằng chứng nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương về xã Kim Song Trường (Can Lộc).

Hà Tĩnh kỷ niệm năm sinh 3 danh nhân dòng họ Nguyễn Huy và đón nhận di sản tư liệu thế giới “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”

Rước bằng chứng nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương về xã Kim Song Trường.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943) do Giáo sư – Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ chủ trì sưu tầm và cùng tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hồ sơ trình Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Đây là bộ sưu tập viết bằng chữ Hán và chữ Nôm gồm 48 tư liệu của 3 dòng họ (Nguyễn Huy, Trần Văn và họ Hoàng) tại làng Trường Lưu. Trong đó, 26 tư liệu là các sắc phong thời kỳ Nhà Lê và Nhà Nguyễn (1689-1943), trong tôn vinh - ban thần, ban mỹ tự - trong ban tước, phong chức; 19 văn bản hành chính do chính quyền địa phương gửi cho người dân thuộc xã Trường Lưu dưới thời Nguyễn (1803-1943) và 3 bức trướng có kích thước: 97x197cm, 121x177cm và 70x127cm tặng cho các cá nhân nhân dịp mừng thọ, đỗ đạt. Mỗi tư liệu là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo...

Chủ đề Di sản văn hóa làng Trường Lưu

Đọc thêm

Những mốc son chói lọi và bài học kinh nghiệm trên chặng đường 95 năm của Đảng

Những mốc son chói lọi và bài học kinh nghiệm trên chặng đường 95 năm của Đảng

Sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành chính quyền, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Những mốc son chói lọi có ý nghĩa lịch sử đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Thủ tướng Nga bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

Thủ tướng Nga bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

Rạng sáng 14/1, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 - 15/1/2025, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Sự ra đời và ý nghĩa lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự ra đời và ý nghĩa lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, kết thúc tình trạng phân tán trong phong trào cách mạng, mở ra một bước ngoặt lớn cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng trở thành lực lượng lãnh đạo duy nhất, thống nhất toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh vì tự do, hạnh phúc.
Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Vượt hơn 200 hải lý, niềm mơ ước trong tôi về một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa đã trở thành hiện thực. Trong tầm mắt tôi và các đồng nghiệp, hình ảnh một Trường Sa thân thương và căng tràn sức sống, hiên ngang giữa trùng khơi đã xua tan những mệt mỏi sau một hành trình dài lênh đênh trên biển cả.
Phát huy cao tinh thần dân chủ, đoàn kết, quyết tâm thực hiện bứt phá các nhiệm vụ năm 2025

Phát huy cao tinh thần dân chủ, đoàn kết, quyết tâm thực hiện bứt phá các nhiệm vụ năm 2025

Nhiệm vụ trong thời gian tới và trong năm 2025 nặng nề và đầy áp lực, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng mong muốn cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu phải thể hiện quyết tâm cao; phát huy cao tinh thần dân chủ, đoàn kết, đóng góp vào kết quả chung của các địa phương, của tỉnh.