Về quê Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngay trong những giây phút bàng hoàng nhận tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam từ trần, chúng tôi hành hương về Lệ Thủy, Quảng Bình để dâng lên bàn thờ gia đình Cụ nén hương tưởng niệm con người được nhân dân Việt Nam và cả thế giới ngưỡng mộ, muôn vàn yêu kính.

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1986) - Ảnh: TTXVN
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1986) - Ảnh: TTXVN

Trong màn sương thu buổi sớm từ Thành phố Vinh ngày kỉ niệm 50 năm thành lập, những câu chuyện xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của vị Tướng huyền thoại cứ thế tiếp nối. Giữa những câu chuyện là những khoảnh khắc mọi người lắng lại, nghĩ suy trong niềm tiếc thương vô hạn…

Đại tướng để lại cho dân tộc nhiều điều quý giá có giá trị vĩnh hằng. Một trong những bài học sâu sắc đó là đạo đức cách mạng trong sáng của một vị tướng lĩnh - trí thức thời đại Hồ Chí Minh. Tướng Giáp là con người sống có lí tưởng theo nghĩa đích thực của từ này. “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”, câu thơ Tố Hữu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có thể dùng cho những trái tim người Việt bao ngày nay hướng về Tướng Giáp.

Đến đất Quảng Bình, dọc hai bên đường đi, những dấu vết của cơn bão số 10 vừa qua vẫn còn hiển hiện. Cây cối liêu xiêu, gãy cành trụi lá. Càng đi về phía Lệ Thủy, thấy càng nhiều hơn những thân cây to lớn gãy đổ. Ngấn lụt vẫn còn trên những rặng tre. Nhiều mái ngói, mái tôn, nhiều ngôi nhà còn xiêu theo hướng gió. Những ngày mưa bão, rồi lũ lụt, cả nước gọi “Quảng Bình ơi!”. Những ngày này, ba tiếng “Quảng Bình ơi!” nghe nghẹn ngào, nức nở. Cơn bão số 10 có phải là điềm báo cho quê hương Quảng Bình về nỗi mất mát này? Hay từ trong sâu thẳm, trái tim Đại tướng xót xa với quê hương bão lũ, niềm thương quê đã gọi Người về? Cũng mùa lụt, hơn trăm năm trước, Người cất tiếng khóc chào đời. Mùa lụt này 2013 “đời tuôn nước mắt” tiễn Người về đất mẹ…

Một góc nhà Đại tướng ở quê. Ảnh: NSNA Trần Hồng
Một góc nhà Đại tướng ở quê. Ảnh: NSNA Trần Hồng

Về làng An Xá, chúng tôi đi bộ theo con đường nhỏ vào nhà lưu niệm Đại tướng. Dãy hàng rào xanh như làm dịu nắng trưa. Cánh cổng gỗ lợp tranh giản dị. Ngôi nhà xưa của Đại tướng, cây cối, mảnh vườn,… hiện rõ nét quê thuần Việt. Trước sân và vườn 2 nhà rạp đã được dựng lên đón tiếp đồng bào đến tưởng niệm. Bà con làng xóm, đồng bào gần xa, đại diện các cơ quan báo chí túc trực đưa tin ngồi kín cả mảnh sân. Chúng tôi dâng hương lên bàn thờ tổ tiên, đứng trước bức ảnh Đại tướng mà rưng rưng xúc động. Bên cạnh, một bác cựu chiến binh nghẹn ngào khóc thương… Giữa nắng trưa, những đoàn người từ khắp nơi không ngừng về với ngôi nhà đơn sơ nơi làng An Xá. Ai cũng lặng lẽ, ngậm ngùi.

Chúng tôi ra vườn. Cơn bão số 10 vừa rồi làm gãy mấy thân cau và cây cối trong vườn. Mọi người đứng ngắm hình ảnh ngôi nhà nhỏ để lưu thật sâu vào kí ức. Từ mảnh đất giản dị và nghèo khó này đây đã sinh ra một con người kiệt xuất, làm chấn động địa cầu… Cũng qua trò chuyện về làng quê Đại tướng, chúng tôi được người dân Quảng Bình cho biết cụ Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại Vũng Chùa, xã Quảng Đông, Quảng Trạch.

Về quê Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 3
Dòng sông Kiến Giang bình dị ở quê Đại tướng vẫn chảy muôn đời. Ảnh: Phạm Xuân Nguyên

Đã biết về nơi Người được sinh ra và lớn lên, ngưỡng mộ sự nghiệp và nhân cách của Người, chúng tôi muốn biết thêm về nơi Người an nghỉ. Trên đường về, xe chúng tôi ghé qua Vũng Chùa. Đi theo con đường đất đỏ, người quản lí khu vực này cho biết, đường phía trước chưa vào được, tuần sau tỉnh Quảng Bình sẽ làm đường đẹp để đón Cụ về. Trong cái mỉm cười của người con Quảng Bình chúng tôi vừa gặp như có lời mời, lời hẹn một dịp nào vào Vũng Chùa dâng hương lên mộ Cụ.

Giây phút xe dừng, chúng tôi nhìn lên dáng núi, lòng thầm nghĩ: Thật khó có nơi nào hợp với Người hơn! Anh bạn của chúng tôi nhắc đến câu sấm nổi tiếng của Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm nói với Nguyễn Hoàng: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”… Chọn Vũng Chùa, là lựa chọn của một tầm nhìn kiệt xuất!

Nhìn lên dãy Hoành Sơn, chúng tôi nghĩ đến nỗi niềm nhớ nước thương nhà trong thơ Bà Huyện Thanh Quan. Trời đã ngả về chiều, chúng tôi quyết định không đi đường hầm mà đi đường đèo. Đứng ở Hoành Sơn Quan rêu phủ, nhớ câu ca xưa “Trèo đèo hai mái chân vân/ Người về Hà Tĩnh, dạ ái ân Quảng Bình”… Lòng ngậm ngùi, nhìn về hai phía mờ sương, trong tâm tưởng chúng tôi vẫn in rõ hình ảnh bức chân dung cương nghị và nhân từ trên ban thờ và hình ảnh ngôi nhà thân thương của Đại tướng…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast