Thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, tháng 5/2016, UBND huyện Nghi Xuân đã ký hợp đồng giao nhận thầu quản lý, kinh doanh, khai thác chợ Cổ Đạm cho HTX Châu Cường (đóng tại xã Cổ Đạm). Đến tháng 10/2016, việc triển khai xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ Cổ Đạm hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng.
Chợ Cổ Đạm sau khi được đầu tư
Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng và điều hành chợ, giữa Ban Quản trị HTX Châu Cường và cá nhân ông Phan Văn Huân (thời điểm đầu được giao điều hành) đã phát sinh mâu thuẫn. Giải quyết nội bộ bất thành, HTX Châu Cường đã khởi kiện ông Phan Văn Huân ra TAND huyện Nghi Xuân.
Trong khi các bên đang chờ phán quyết của tòa thì ông Huân vẫn tiếp tục quản lý chợ. Điều đáng nói là, với vị trí “độc tôn”, ông Huân đã điều hành chợ theo kiểu “gia đình”, không có mô hình, quy chế hoạt động và các điều kiện, thủ tục pháp lý nào.
Nhiều tiểu thương bày tỏ bức xúc khi chợ Cổ Đạm bị quản lý, điều hành theo kiểu "gia đình trị"
Chợ Cổ Đạm có gần 140 hộ kinh doanh. Theo một số tiểu thương, việc sắp xếp, thu phí chỗ ngồi bán hàng, phí vào chợ, vệ sinh môi trường… “tất tần tật do ông Huân tự quyết định”. Đặc biệt, các khoản thu đều không có biên lai, hóa đơn, chứng từ. “Cứ sáng sáng, ông Huân cắp cuốn sổ ra chợ, ai có hàng vào bán thì ông thu tiền”(!?).
Chị Phan Thị Hoa – bán hàng vải, quần áo may sẵn cho biết: Tôi buôn bán ở chợ Cổ Đạm hơn 30 năm nay. Trước đây, chúng tôi có ki ốt phía trước cổng. Sau khi chợ được đầu tư xây dựng lại, ông Huân lấy 4 ki-ốt phía ngoài cho người nhà kinh doanh, ai đặt cọc 80 – 100 triệu đồng thì được ở lại còn không thì “đuổi” hết vào đình. Trong đình, ông Huân sắp xếp, chia quầy hàng hết sức lộn xộn, tùy hứng, chen chúc nhau.
Tất cả các hộ bán hoa quả cố định có ý kiến phản đối về thu phí cao đều bị dồn ra phía sau chợ...
Không chỉ hàng quần áo, các quầy hàng xén, hoa quả, thịt cá đều chịu cảnh tương tự. Chị Tuyết - một người bán hoa quả trong chợ hơn 3 năm nay cho biết: Năm 2018, các tiểu thương có ý kiến về việc thu phí quá cao, ông Huân giảm xuống còn 10.000 đồng/ngày và thu theo ngày. Nhưng tất cả các hộ bán hoa quả cố định (có ý kiến) đều bị dồn ra phía sau chợ, phía trước dành cho các hộ bán hàng lưu động hàng ngày với mức phí cao hơn.
... và đều đặn mỗi ngày, chị Tuyết phải đóng 10.000 đồng mà không có biên lại, phiếu thu.
Đây lại là khu vực bẩn nhất chợ, có bãi tập kết rác thải. Đáng nói hơn, ngay sát với dãy chuồng nuôi nhốt lợn, gà của gia đình ông Huân. Hàng ngày, nước thải từ khu chăn nuôi này chảy tràn ra, bốc mùi hôi thối. Cùng với đó, đường điện cũng không được đầu tư, các tiểu thương phải câu mắc điện của những hộ dân gần chợ để sử dụng.
“Khu vực chăn nuôi của ông Huân được xây dựng trên phần đất của chợ. Bán hàng hoa quả, đồ thắp hương mà ở môi trường này thì không có khách cũng là điều dễ hiểu” – chị Tuyết bức xúc.
Trước những bất cập trong sắp xếp, bố trí nơi kinh doanh buôn bán và cách điều hành, quản lý “tự tung tự tác” của ông Huân, nhiều hộ tiểu thương đã có đơn thư kiến nghị gửi các cấp, ngành. Và, trong khi chờ phương án giải quyết thấu đáo của các cấp thì chính họ lại bị ông Huân “chiếu tướng”.
Tiểu thương bán hoa quả phải dùng bạt bịt rác, nước thải từ chuồng nuôi nhốt lợn gà của ông Huân làm trên phần đất chợ.
Bà Trần Thị Thanh Xuân (hộ bán chuối) trình bày: "Trước Tết, ông Huân đòi tăng giá lên 15.000 đồng/ngày, chúng tôi phản đối nên bị ông Huân gây sự, xô xát với con tôi và phá hỏng hàng trăm nải chuối của gia đình. Tôi đã có đơn trình báo lên Công an huyện Nghi Xuân và Công an xã Cổ Đạm nhưng đến nay vẫn chưa thấy trả lời".
Điều đáng nói là, cũng chính vì chưa có câu trả lời chính thức từ lực lượng chức năng nên ông Huân ngày càng có thái độ “coi trời bằng vung”. Đơn cử như ngày 24/3, ông Huân đã gây chuyện, đánh chị Phan Thị Lan – hộ bán rau ở chợ thành thương, phải điều trị ở Bệnh viện 113 – Nghệ An hơn 10 ngày.
Anh Trần Văn Đại (bên trái) mô tả lại việc vợ mình là Phan Thị Lan bị ông Huân đánh vào ngày 24/3.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm Nguyễn Thái Tứ cho biết: “Quản lý hoạt động của chợ thuộc thẩm quyền cấp huyện, chúng tôi chỉ thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Hiện tại, xã đang điều tra, làm rõ các vụ việc đánh người, phá hoại tài sản theo chỉ đạo của huyện và đơn thư của bà con tiểu thương”
Còn ông Nguyễn Thế Hải – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Nghi Xuân thì cho rằng: "Về những bất cập trong hoạt động của chợ Cổ Đạm, huyện và các phòng chuyên môn cũng đã nhiều lần làm việc, yêu cầu HTX Châu Cường có biện pháp chấn chỉnh. Tuy nhiên, những sai phạm đó liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt, giữa ông Huân và HTX Châu Cường đang có tranh chấp nên công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp, xác minh làm rõ theo quy định pháp luật".