Chỗ dựa để ngư dân phát triển nghề cá

Tuy chịu ảnh hưởng của thời tiết diễn biến phức tạp, luồng lạch ngày một bị bồi lắng, nhưng hoạt động SX-KD của ngư dân tại cảng cá Cửa Sót và các khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót (Lộc Hà), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) vẫn đạt kết quả khá. Thành công đó có sự đóng góp quan trọng của Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh.

Ông Bùi Tuấn Sơn – Trưởng Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh phấn khởi chia vui: xác định nhiệm vụ được giao, trong năm 2011, đơn vị đã làm tốt công tác phối hợp với lực lượng biên phòng, phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà, UBND xã Thạch Kim, Chi cục BVNL&KT thuỷ sản Hà Tĩnh để tuyên truyền giáo dục cho ngư dân, các chủ tàu, thuyền đánh cá tham gia phong trào bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phát hiện kịp thời và tố giác các trường hợp dùng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác, đánh bắt thuỷ sản; vận động bà con ngư dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường tại khu vực cảng cá, đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm về vệ sinh, môi trường của các tàu, thuyền cũng như các hộ sản xuất, kinh doanh trong cảng. Đặc biệt, Ban đã điều hành tàu, thuyền ra vào cảng hợp lý, nhất là những thời điểm có bão và áp thấp nhiệt đới xẩy đến và sau đó là khắc phục nhanh các hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra nhằm đảm bảo cho tàu, thuyền của bà con ngư dân cập cảng an toàn.

Nhộn nhịp hoạt động mua bán thuỷ sản trong khu vực Cảng cá Cửa Sót

Những nỗ lực của BQL các cảng cá cùng ngành hữu quan và chính quyền địa phương đã mang lại kết quả khá khi năm 2011 vừa qua, Cảng cá Cửa Sót đã đón 9.965 lượt tàu thuyền cập cảng và khu neo đậu (2.452 lượt tàu thuyền tránh trú bão và áp thấp) với sản lượng khai thác thuỷ sản đạt 3.200 tấn (cá, mực, tôm), hàng hoá khác 1.907 tấn; doanh thu các dịch vụ trong cảng đạt 10.155 triệu đồng (đá lạnh 1.545 triệu đồng, dầu điêzen 7.028 triệu đồng, thực phẩm – ngư lưới cụ 1.582 triệu đồng); thu phí trên 95 triệu đồng, nộp ngân sách gần 20 triệu đồng. Điều quan trọng hơn cả là sau gần 5 năm đi vào hoạt động, cảng cá Cửa Sót thực sự trở thành tiểu khu công nghiệp chuyên ngành thuỷ sản, kích thích cộng đồng ngư dân trong vùng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển ngành nghề, góp phần quan trọng vào việc phát triển KT-XH trên địa bàn.

Ngoài điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh tại cảng cá Cửa Sót, trong năm 2011 vừa qua, BQL các cảng cá Hà Tĩnh còn tổ chức tiếp nhận và bố trí cán bộ quản lý, vận hành khu neo đậu tránh trú bão Cửa Nhượng (mới hoàn thành xây dựng), qua đó, giúp cho hàng ngàn lượt tàu, thuyền trong và ngoài địa bàn neo trú khi bão và áp thấp nhiệt đới tràn về.

Nhân viên cảng cá Cửa Sót kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn

Phát huy kết quả đạt được, năm 2012 này, BQL các cảng cá Hà Tĩnh tiếp tục tập trung cao cho việc đào tạo nguồn nhân lực; tham mưu ngành NN&PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng, cho thuê mặt bằng tại cảng cá Cửa Sót nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư mở rộng các loại hình dịch vụ; khôi phục hậu quả do mưa lũ gây ra cũng như làm tốt công tác sửa chữa định kỳ hàng năm; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng cá Xuân Hội, chuẩn bị thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng cảng cá Cửa Nhượng (Cẩm Nhượng – Cẩm Xuyên) nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo ATVSTP...

Theo Trưởng BQL các cảng cá Hà Tĩnh, vấn đề khó nhất hiện nay trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý cảng cá trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng là chưa hoàn thiện các văn bản luật, dưới luật nên không thể phát huy hết vai trò, chức năng của ban quản lý. Ngoài ra, hiện nay, BQL các cảng cá Hà Tĩnh cũng đang đối mặt với một thách thức không dễ giải quyết là thiếu kinh phí cho việc nạo vét luồng lạch do bị bồi lắng, dẫn đến không thể đón các tàu có công suất lớn vào cập cảng để tăng nhanh nguồn thu từ phí và các dịch vụ hậu cần nghề cá; đó là chưa kể nhiều hạng mục trong khu vực cảng đã xuống cấp do tác động của nước biển và bão lũ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói