Xã Hồng Lộc (huyện Lộc Hà) họp bàn các giải pháp cấp bách phòng, chống DTLCP.
Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc Lê Viết Bình cho biết: “Ngay sau khi DTLCP bùng phát trên địa bàn, chúng tôi đã lập tức họp bàn, thành lập Ban chỉ đạo cấp bách phòng chống dịch và các tổ tiêu hủy, tổ vệ sinh tiêu độc khử trùng, tổ tuyên truyền giám sát thống kê tổng đàn, tổ trực chốt kiểm tra và tổ phản ứng nhanh. Mặt khác, xã huy động các lực lượng tại chỗ như công an xã, dân quân tự vệ, cán bộ thú y,... vào đợt cao điểm chống dịch lây lan và bùng phát trên diện rộng”.
Đồng thời, địa phương đã phối hợp các đơn vị liên quan lập 2 điểm chốt kiểm soát được lực lượng chức năng túc trực 24/24h để phun hóa chất tiêu độc khử trùng; hạn chế tối đa việc mang mầm bệnh lây nhiễm đến các địa phương khác.
Các hộ chăn nuôi gần khu vực xẩy ra DTLCP tiến hành phun tiêu độc khử trùng, ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng.
Ngoài ra, các hộ chăn nuôi trong vùng có dịch cũng được hướng dẫn thực hiện đồng thời các biện pháp phòng, chống dịch xâm nhiễm. Ông Mai Văn Minh (thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc) cho biết: “Khi phát hiện lợn có triệu chứng sốt, bỏ ăn, nằm li bì, phân táo và sau đó lăn ra chết chúng tôi đã báo cho lực lượng chức năng. Đồng thời, tiến hành rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng, khử khuẩn chuồng trại chăn nuôi của gia đình, không để ảnh hưởng tới các hộ xung quanh”.
Cùng với đó, địa phương cũng đã tuyên truyền đầy đủ thông tin qua hệ thống loa truyền thanh, cử cán bộ thú y đến tận các thôn xóm, hộ chăn nuôi trên địa bàn nhằm hướng dẫn, tập trung cao cho công tác phòng bệnh.
xã Hồng Lộc đã phối hợp các đơn vị liên quan lập 2 điểm chốt kiểm soát được lực lượng chức năng thực hiện phun hoá chất tiêu độc khử trùng.
“Chống dịch như chống giặc”, xã Hồng Lộc đã phân bổ hợn 50 lít hoá chất cho các hộ chăn nuôi, đảm bảo cho người dân đủ lượng phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực xuất hiện dịch hằng ngày và tiến hành rắc 2 tấn vôi bột tại các trục đường chính, lối đi có nguy cơ xâm nhiễm cao; xác định dự phòng 7 địa điểm đạt tiêu chuẩn để thực hiện chôn lấp lợn nhiễm dịch.
Theo Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Lộc Hà, ngay khi nhận được tin báo từ cơ sở, Trung tâm đã tiến hành lấy mẫu đàn lợn của gia đình ông Mai Văn Minh và ông Bùi Văn Nhi (thôn Trung Sơn) gửi Cơ quan Thú y vùng 3 để xét nghiệm; sau đó, tiến hành tiêu hủy lợn theo đúng hướng dẫn. Ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với DTLCP, huyện Lộc Hà đã chỉ đạo xã Hồng Lộc phối hợp với các lực lượng chức năng công bố dịch theo quy định tổ chức tiến hành tiêu độc khử trùng và áp dụng các biện pháp phòng, chống một cách triệt để tại vùng dịch”.
Thực hiện đồng thời các biện pháp để ngăn chặn dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến lĩnh vực chăn nuôi của các địa phương.
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh cho biết: "Đến nay, DTLCP đã xuất hiện trên địa bàn 2 huyện Cẩm Xuyên và Lộc Hà điều đó cho thấy mức độ lây lan, xâm nhiễm của dịch tại tỉnh ta đang ở mức rất cao, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động chăn nuôi của các địa phương, tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Vì vậy, đề nghị tất cả các địa phương tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa, thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh”.
"Quan trọng nhất lúc này là đẩy mạnh khâu tuyên truyền, hướng dẫn người dân cần tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh như tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi hằng ngày; sử dụng các sản phẩm bổ sung nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch; không để xảy ra tình trạng có bệnh dịch người dân tự ý điều trị mà chính quyền và cơ quan chuyên môn không nắm được…
Với các địa phương chưa có dịch, cần tuyên truyền, thông tin đầy đủ cho cán bộ và nhân dân biết về tình hình DTLCP; lập chốt kiểm dịch tại các vùng giáp ranh, có nguy cơ cao; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, nhất là khâu buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc; nắm chắc tình hình để ứng phó kịp thời khi trên địa bàn xuất hiện lợn ốm, lợn chết, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Hà Tĩnh - Trần Hùng khuyến cáo.