Ngày nay, hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn con cái tìm được công việc nhàn hạ, ngồi máy lạnh sung sướng, mưa không đến mặt, nắng chẳng tới đầu, còn được ăn diện chỉnh tề, sạch sẽ.
Họ nào biết đâu, đủ mọi nghề nghiệp khác nhau làm chung trong môi trường văn phòng đều dễ mắc hội chứng SBS. Hội chứng SBS (sick building syndrome) được tổ chức y tế thế giới (WHO) đưa ra khi ước tính có đến 30% số văn phòng ở phương Tây bị ảnh hưởng. Trong những năm 90 trở về sau, SBS ngày càng được nghiên cứu sâu rộng hơn với các yếu tố vật lý, hóa học trong các tòa nhà được thẩm tra.
Hội chứng SBS là tập hợp những bệnh mà những người làm việc trong cao ốc, văn phòng thường xuyên bị mắc phải và có 4 điểm chung sau đây: (1) bệnh liên quan đến thời gian làm việc tại văn phòng, (2) bệnh hết hoặc thuyên giảm đáng kể khi nghỉ việc, (3) bệnh tái phát khi quay trở lại làm việc, (4) đồng nghiệp cùng văn phòng cũng bị tương tự. Ban đầu, bệnh có những triệu chứng đặc trưng như chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ… Lâu dài, người mắc hội chứng văn phòng có thể mắc các bệnh về cột sống cổ, chèn ép dây thần kinh đốt sống cổ, dẫn đến thiếu máu não, các căn bệnh về khớp, hô hấp…
Theo nghiên cứu từ các chuyên gia, hội chứng SBS đến từ 2 nguyên nhân chính bao gồm tính chất đặc thù công việc của giới văn phòng và môi trường làm việc tại văn phòng. Công việc tại văn phòng đa phần là lao động trí óc, áp lực lớn, cường độ cao dễ dẫn đến stress, chóng mặt, công việc văn phòng lại còn ngồi nhiều, ít vận động khiến máu lưu thông không tốt. Nhân viên văn phòng còn phải thường xuyên tiếp xúc với máy tính, hồ sơ dày đặc các chữ, số ảnh hưởng nhiều đến thị lực, dễ gây mỏi mắt. Lịch sinh hoạt đi sớm về khuya, ăn uống không đúng giờ giấc cũng khiến nhịp sinh học bị rối loạn. Bên cạnh đó, môi trường văn phòng kín với các yếu tố như bụi bặm, dư độ ẩm mà lại thiếu ánh nắng, bức xạ từ các thiết bị điện tử, hóa chất từ các thiết bị tẩy rửa, từ máy móc sử dụng thường xuyên khiến sức khỏe của dân văn phòng bị bào mòn liên tục.
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực của hội chứng SBS, hiện nay các cao ốc văn phòng đã ngày càng chú trọng đến thiết kế thân thiện môi trường, thoáng khí, nhiều cây xanh và ánh nắng, đồng thời bảo trì các thiết bị thông gió, làm mát thường xuyên để hạn chế vi khuẩn lây lan trong môi trường văn phòng. Người làm việc trong môi trường văn phòng nên thường xuyên vận động nhẹ đặc biệt là ở cổ sau mỗi 45 phút làm việc, luyện tập các bài tập về mắt để tránh mỏi mắt, uống đủ nước, ăn các bữa ăn đủ dinh dưỡng.
Với những người dễ bị hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, để tránh bị ảnh hưởng đến chất lượng công việc hoặc những giây phút quan trọng như thuyết trình, báo cáo, họp hành, phân tích số liệu… nên thăm khám bác sỹ để chuẩn bị một số loại thuốc cắt cơn chóng mặt nhanh, chẳng hạn như hoạt chất Acetyl-DL-leucine. Hiện nay, hầu hết các văn phòng đều có tủ thuốc công ty do bộ phận hành chánh nhân sự quản lý. Người làm văn phòng có thể đề nghị bộ phận này chuẩn bị, lưu trữ những loại thuốc cần thiết, thường sử dụng của giới văn phòng để tránh bị động. Ngoài ra, những buổi ngoại khóa, sinh hoạt nội bộ về cách thức phòng tránh chứng chóng mặt, đau đầu cũng nên được tổ chức thường xuyên để dân văn phòng nâng cao ý thức về sức khỏe, phát huy năng suất lao động, làm việc một cách hiệu quả hơn.