Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm cấp cao. (Ảnh: Baodautu.vn)
Chương trình buổi chiều 5/12 của “Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” tiếp tục với tọa đàm cấp cao xoay quanh 2 chuyên đề: “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”; “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. |
Điểm cầu Hà Tĩnh.
Trong chuyên đề 1, đại biểu được nghe PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính trình bày nội dung “Dư địa chính sách tài khóa và phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển KT-XH trong bối cảnh mới”;
Ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trao đổi về “Chính sách thuế cho giai đoạn phục hồi kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị dành cho Việt Nam”; ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT tham luận về “Chuyển đổi số - tìm cơ trong nguy để bứt phá, phát triển kinh tế”.
Đại biểu từ điểm cầu TP. Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến tại tọa đàm. Ảnh chụp màn hình trực tuyến
Tại phiên tọa đàm, đại biểu các điểm cầu cũng tham gia đóng góp nhiều ý kiến chất lượng để phục hồi và vực dậy nền kinh tế. Theo đó, cần hiểu rõ nguyên nhân chính của tình trạng suy giảm kinh tế là do biện pháp phòng dịch làm đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do vậy, việc thực hiện gói hỗ trợ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần tập trung vào: Quy mô gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước phù hợp với khả năng huy động và sử dụng nguồn lực. Về chi tiêu NSNN, gói hỗ trợ tài khóa cần chú trọng vào lĩnh vực chi cho y tế, chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng, cho đào tạo lại lao động, xây dựng các khu nhà ở xã hội, các dự án cải tạo chung cư cũ...
Đại biểu cũng đồng tình với việc chuyển đổi số, bao gồm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh là nhiệm vụ bao trùm trong giai đoạn 2021-2025.
Các diễn giả, chuyên gia tham gia tọa đàm chuyên đề 2. Ảnh chụp màn hình trực tuyến
Tại chuyên đề 2, TS. Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đóng góp ý kiến xoay quanh việc “Đẩy mạnh đào tạo nghề góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước”;
Bà Mashimot Makiko, chuyên gia về việc làm – Văn phòng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đưa ra các khuyến nghị chính sách về lao động, thị trường lao động và việc làm tại Việt Nam; ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày giải pháp về “An sinh xã hội cho các nhóm dễ tổn thương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam”.
Các đại biểu tham dự ở điểm cầu Hà Tĩnh.
Trao đổi xoay quanh chuyên đề này, đại biểu đánh giá, hệ thống an sinh xã hội hiện hành về cơ bản đã hoạt động hiệu quả, góp phần hỗ trợ người lao động có việc làm, tăng thu nhập, tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; khi người dân gặp rủi ro, được trợ giúp từ các quỹ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hoặc từ ngân sách nhà nước và cả từ huy động cộng đồng.
Đại biểu cũng đưa ra ý kiến về việc cần nghiên cứu, đánh giá tổng thể tác động của đại dịch COVID-19 đến các nhóm đối tượng để làm cơ sở xây dựng chính sách, kế hoạch đặc thù, thực hiện giải pháp sau đại dịch; khẩn trương sửa đổi Luật BHXH và Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm y tế… để mở rộng phạm vi bao phủ của các chương trình an sinh xã hội; tăng cường và hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất.
Hoàn thiện và tăng cường thực hiện cơ chế, chính sách an sinh xã hội liên quan đến người di cư; bố trí đầy đủ nguồn lực và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội thiết yếu; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp; hoàn thiện hệ thống thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu hiện đại về an sinh xã hội...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bế mạc diễn đàn. Ảnh chụp màn hình trực tuyến
Bế mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Sau một ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra; thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước”.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu với những giải pháp cụ thể, thiết thực để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững. Đây là những nội dung quan trọng để Quốc hội tiếp tục thảo luận tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới.
Diễn đàn lần này đã cung cấp thêm những căn cứ khoa học và thực tiễn, khẳng định Quốc hội tiếp tục chủ động, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển; trở lại trạng thái bình thường mới, không bị “lỡ nhịp” trong xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục chủ động kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế với những giải pháp đột phá vừa ngắn hạn, trung hạn và bám vào mục tiêu dài hạn trong cơ cấu lại nền kinh tế; đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa mà Quốc hội đã ban hành để đề xuất, nghiên cứu thêm những chính sách mới sát thực tiễn cuộc sống; tiếp tục đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong các cơ quan, doanh nghiệp; quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo ổn định cuộc sống Nhân dân, nhất là huy động xã hội hóa nguồn lực để triển khai thực hiện.