Tối 22/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành và đại sứ/trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và lãnh đạo Sở Ngoại vụ điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo Bộ Ngoại giao, 6 tháng đầu năm 2025, công tác ngoại giao kinh tế được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển KT-XH. Ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp.
Phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển; đẩy mạnh công tác tham mưu chiến lược và đề xuất chính sách phục vụ điều hành kinh tế -xã hội, bám sát yêu cầu phát triển của đất nước.
Tích cực thúc đẩy triển khai kết quả các chuyến thăm cấp cao, đóng góp hiệu quả thực hiện các đột phá chiến lược; tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.


Tại hội nghị, đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, ngoại giao kinh tế có lúc chưa thực sự nhạy bén; hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược còn chưa tương xứng với khuôn khổ quan hệ.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các hoạt động đối ngoại cấp cao, lồng ghép nội hàm kinh tế và công nghệ vào chương trình nghị sự; rà soát định kỳ, đôn đốc tiến độ triển khai các cam kết, thỏa thuận; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đặc biệt là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao hàm lượng dự báo trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tại Hà Tĩnh, thời gian qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương chú trọng công tác ngoại giao kinh tế, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa ngoại lực để thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Tỉnh tăng cường duy trì, củng cố mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với các địa phương của nước CHDCND Lào; gìn giữ, vun đắp mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt với tỉnh Bolikhămxay và hợp tác toàn diện với các tỉnh Khăm Muồn, Thủ đô Viêng Chăn, Savannakhet; mở rộng hợp tác với các tỉnh Bắc Lào, đặc biệt là chú trọng tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 bên hợp tác phát triển kinh tế.
6 tháng đầu năm, tỉnh tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, thúc đẩy các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác với các thành viên của Hiệp hội các tỉnh 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan có sử dụng đường 8 và đường 12.
Từ đầu năm đến nay, phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế của tỉnh, cùng với chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,16% (cùng kỳ đạt 7,6%), đứng thứ 14/34 cả nước, thứ 3 Bắc Trung bộ; trong đó: khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,39%, khu vực nông nghiệp tăng 2,79%, khu vực dịch vụ tăng 7,93%.
Về tình hình vận động, thu hút đầu tư, tỉnh đã chấp thuận chủ trương 21 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 18.900 tỷ đồng và 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 13 triệu USD.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể: tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiểm soát và an ninh trật tự được giữ vững. Trong bức tranh chung đó, công tác đối ngoại nổi lên như một điểm sáng với những kết quả tích cực. Những kết quả này có sự đóng góp to lớn của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, những người đã nỗ lực không ngừng nghỉ để thúc đẩy ngoại giao kinh tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

"Để đảm bảo hiệu quả trong công tác đối ngoại, các cơ quan đại diện cần nắm bắt tình hình nước sở tại và các khu vực liên quan thật tốt. Từ đó, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Đảng và Nhà nước những giải pháp, chính sách phù hợp, kịp thời nhằm bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia, đồng thời ứng phó linh hoạt với những thay đổi của bối cảnh quốc tế" - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay, công tác đối ngoại cần tập trung vào việc tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển thuận lợi; chủ động thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác dựa trên nguyên tắc độc lập, tự chủ. Một nền ngoại giao vững mạnh sẽ giúp Việt Nam tối đa hóa nguồn lực bên ngoài, thu hút đầu tư và mở rộng thị trường, qua đó tạo đà vững chắc cho phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, trong bối cảnh hiện nay phải tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…, đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, kết hợp với nhà đầu tư tạo nên chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, các đại sứ, đại diện Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần là phải làm ngay, làm luôn, chủ động phát huy vai trò xung kích trên mặt trận ngoại giao, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước tăng trưởng.