Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hà Tĩnh là đơn vị tiên phong triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản tại Hà Tĩnh.
Đến thời điểm này, BIDV Hà Tĩnh đã cho 9 chủ tàu vay vốn đóng tàu vỏ thép với tổng dư nợ 125 tỷ đồng. Trong đó, xã Xuân Hội (Nghi Xuân) có 6 tàu, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) 1 tàu và huyện Lộc Hà có 2 tàu ở 2 xã Thạch Bằng và Thạch Kim.
9 chủ tàu vỏ thép nợ quá hạn, tác động xấu tới hoạt động tài chính của BIDV Hà Tĩnh
Thời gian đầu, các chủ tàu thực hiện việc trả nợ khá tốt. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm trở lại đây, ngư dân không tuân thủ hợp đồng đã ký kết. Điều đáng nói là, liệu có “thỏa thuận ngầm” hay không khi đồng loạt cả 9 chủ tàu trong tỉnh đều ngừng trả nợ cùng lúc, dẫn đến nợ xấu tăng lên.
Hiện tại, tổng số nợ xấu của BIDV Hà Tĩnh trong lĩnh vực này đã lên tới 117 tỷ đồng/tổng dư trợ 125 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân quá hạn trả nợ, ông Trần Quốc Rạng (xóm Hội Long – xã Xuân Hội – Nghi Xuân) nói: “Tôi vay ngân hàng BIDV Hà Tĩnh 13,8 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép công suất 810 CV. Hiện, tôi đã trả hơn 1 tỷ đồng. Thời gian gần đây, do luồng cá ít, sản lượng khai thác hải sản giảm, trong khi tàu chúng tôi lại bị tàu giã cào của nước ngoài phá lưới (trị giá 1 tỷ đồng) nên tàu phải nằm bờ khá dài ngày, ảnh hưởng tới việc trả nợ”.
BIDV Hà Tĩnh là đơn vị tiên phong triển khai Nghị định 67
Ý kiến của ông Rạng cũng là lý giải của đa phần chủ tàu. Tuy nhiên, theo đại diện BIDV Hà Tĩnh: Qua quá trình theo dõi, rà soát thông tin từ cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng, ngân hàng được biết, từ đầu năm lại nay, hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Hà Tĩnh vẫn tương đối hiệu quả, trong đó có 9 chủ tàu vay nợ ngân hàng. Tuy vậy, ý thức tự giác trả nợ của các chủ tàu còn hạn chế trong khi việc quản lý nguồn thu bán sản phẩm để thu nợ của ngân hàng rất khó khăn.
Theo ông Võ Văn Huế - Cán bộ phụ trách nông thôn - môi trường xã Xuân Hội – Nghi Xuân thì, từ đầu năm lại nay, hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên địa bàn khá thuận lợi, sản lượng khai thác đạt khá. “Mặc dù huyện và xã nhiều lần tổ chức làm việc với 6 chủ tàu để tuyên truyền, vận động song tới nay vẫn chưa có chuyển biến. Dường như người dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước với suy nghĩ nếu không trả nợ thì cuối cùng Nhà nước cũng xóa nợ giống như thời điểm thực hiện Quyết định 393 – TTg năm 1997 về Quy chế quản lý và sử dụng vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước cho các dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hản sản xa bờ do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Thời điểm đó, xã Xuân Hội có 10 tàu giã cào trên 300 CV được vay vốn đóng mới và các chủ tàu cũng trầy trật mãi với việc trả nợ, cuối cùng Nhà nước đành hóa giá rẻ và khoanh nợ cho các chủ tàu” - ông Huế cho biết
Hà Tĩnh cần có giải pháp để ngư dân thay đổi nhận thức, yên tâm bám biển, trả nợ ngân hàng đúng quy định
Theo Nghị định 67, lãi suất vay vốn để đóng tàu vỏ thép là 7%; trong đó, ngư dân được Nhà nước hỗ trợ 6%. Tuy nhiên, nếu chủ tàu không tuân thủ trả nợ theo quy định thì ngân hàng sẽ chấm dứt việc hỗ trợ lãi suất. Rõ ràng, việc 9 chủ tàu chây ì trả nợ tức là đang tự đánh mất quyền lợi của chính mình.
"Trước đây, chúng tôi đã đồng hành cùng địa phương hỗ trợ nguồn lực để ngư dân đầu tư những con tàu hiện đại thì nay, khi đối mặt với nợ xấu, ngân hàng mong muốn chính quyền các cấp và ngành chức năng liên quan vào cuộc để gỡ khó cho ngành ngân hàng, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tài chính, tiền tệ cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân trả nợ. Theo đó, tỉnh cần có giải pháp hữu hiệu để ngư dân thay đổi nhận thức, yên tâm bám biển, trả nợ ngân hàng đúng quy định, tránh những thiệt thòi không đáng có" - một cán bộ BIDV Hà Tĩnh kiến nghị.