Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đặt vấn đề đầu phiên chất vấn sáng nay
Theo chương trình nghị sự, HĐND tỉnh sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trên 3 lĩnh vực: quy hoạch, tài nguyên và giải quyết tồn đọng.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Hà đăng đàn trả lời nguyên nhân và giải pháp liên quan tới một số tuyến đường trên địa bàn TP Hà Tĩnh được quy hoạch từ lâu; việc đền bù, GPMB để thực hiện theo quy hoạch đòi hỏi kinh phí lớn gây vướng mắc, khó khăn trong quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và quyền lợi của người dân.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Hà cho biết: Những năm qua, đã có nhiều nguồn lực được bố trí để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố như nâng cấp các tuyến đường: Nguyễn Công Trứ, Mai Thúc Loan, Lê Duẩn kéo dài, Trường Chinh, vành đai đô thị Bắc, Nguyễn Trung Thiên kéo dài...
Tuy vậy, một số tuyến đường đã quy hoạch từ lâu nhưng chưa được đền bù, GPMB toàn bộ để đầu tư xây dựng nâng cấp làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân; nhất là các hộ có nhu cầu tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng, làm nhà kiên cố.
Ông Nguyễn Quốc Hà cũng đã phân tích, làm rõ các nguyên nhân và xác định 4 giải pháp chính gồm: giải pháp về quy hoạch, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, giải pháp về đầu tư, giải pháp về nguồn vốn.
Theo đó, Sở Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, lập điều chỉnh quy hoạch chung TP Hà Tĩnh phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giao đơn vị tư vấn phối hợp với UBND TP Hà Tĩnh rà soát, đánh giá lại định hướng, quy mô của các tuyến đường và lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư. Sau khi đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung được phê duyệt sẽ tiến hành cập nhật, lập phủ kín các quy hoạch phân khu để làm cơ sở quản lý.
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định một số nội dung về quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác quản lý về quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, thi công; xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư mạng lưới tuyến đường giao thông TP Hà Tĩnh đồng bộ; chủ động triển khai các khu tái định cư. Ngoài ra, tập trung kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư...
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục diễn ra với phần đăng đàn của Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thanh Điện.
Trả lời câu hỏi việc xác định giá đất cụ thể của các dự án trên địa bàn tỉnh còn chậm, làm ảnh hưởng đến việc giao đất, cho thuê đất và hoạt động của doanh nghiệp; nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới? “tư lệnh” ngành TN&MT cho biết: Có 4 nguyên nhân chính dẫn tới việc xác định giá đất còn chậm là: vướng mắc từ cơ sở pháp lý, dữ liệu đầu vào của các dự án; vướng mắc trong việc áp dụng các phương pháp xác định giá đất; khó khăn trong việc thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất; hội đồng thẩm định giá đất tỉnh tuy đã ban hành quy chế nhưng hoạt động chưa hiệu quả.
Về trách nhiệm trong việc xác định giá đất cụ thể chậm trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Điện lý giải: Xác định giá đất phụ thuộc rất nhiều vào hồ sơ dữ liệu đầu vào dự án trong khi hồ sơ dự án do nhà đầu tư lập, chất lượng, độ tin cậy không cao; cơ quan thẩm định việc chấp thuận chủ trương đầu tư chưa rà soát, thẩm định kỹ các yếu tố đầu vào, chưa cân nhắc rà soát kỹ các thông tin liên quan…
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân và thẳng thắn nhìn nhận rõ trách nhiệm, Giám đốc Sở TN&MT đã đề cập tới các giải pháp như: Tiếp tục ban hành các văn bản nhằm chấn chỉnh tồn tại trong xác định giá đất cụ thể các dự án. Đối với nhóm các dự án đã được hội đồng thẩm định giá đất thông qua, Sở TN&MT hoàn chỉnh trình UBND tỉnh xem xét quyết định; đối với nhóm dự án mới, quá trình thẩm định hồ sơ các dự án đầu tư có sử dụng đất, xem xét lấy ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định giá đất tỉnh để thống nhất thông tin.
Về việc ban hành quy định chi tiết các chỉ tiêu xác định giá đất phục vụ công tác thẩm định trên địa bàn tỉnh, Sở TNMT sẽ tham mưu UBND tỉnh nghiên cứu, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Thường trực HĐND tỉnh để thống nhất trước khi ban hành quy định tổ chức thực hiện…
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga (tổ đại biểu huyện Nghi Xuân) hỏi: Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, xin ông cho biết từ tháng 11/2021 đến nay đã phê duyệt giá đất cụ thể của bao nhiêu dự án trên địa bàn? Trong đó, nhiều dự án dù đã thẩm định xong nhưng vẫn chưa phê duyệt và nhiều dự án triển khai từ 2-3 năm vẫn chưa được định giá.
Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Từ tháng 11/2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có tất cả 4 dự án được phê duyệt giá đất cụ thể gồm: Dự án xây dựng Trung tâm dịch vụ bảo hành, sửa chữa và cung cấp xe ô tô chính hãng tại TP Hà Tĩnh; dự án khu dân cư tại tổ dân phố Trần Phú, thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên); dự án Khu dân cư Trung Hải, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc; giá khởi điểm bán đấu giá quyền sử dụng đất 88 lô tại dự án hạ tầng khu dân cư đô thị, thương mại và dịch vụ tổng hợp phía Đông Nam huyện Kỳ Anh. Quá trình phê duyệt giá đất, Sở TNMT đã thu thập thông tin dữ liệu đầu vào của dự án trên cơ sở khảo sát thực tế và tham khảo các địa phương lân cận.
Đối với dự án khu dân cư tổ dân phố 6, tổ dân phố 7 phường Đậu Liệu (TX Hồng Lĩnh) thuộc nhóm đấu thầu có sử dụng đất, do quá trình thực hiện giao đất, cho thuê đất và GPMB còn vướng mắc do chồng chéo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau khi có các văn bản của Bộ Xây dựng và UBND tỉnh, hiện tại, đã có đủ cơ sở pháp lý để xác định giá đất Dự án Nhà máy Sợi Nghệ Tĩnh là dự án sản xuất kinh doanh đặc thù. Theo quyết định 2564/QĐ-UBND tỉnh, dự án được thuê 5,5 đất để thực hiện.
Quá trình định giá, Sở TNMT đã thu thập thông tin, điều tra khảo sát. Tuy nhiên, mọi thông tin thị trường về hoạt động sản xuất của các đơn vị cùng lĩnh vực tại Hà Tĩnh chưa có nên qua thảo luận, đã thống nhất mở rộng kinh doanh nhà xưởng để tính toán doanh thu. Đến nay, hội đồng thẩm định giá đất đã thông qua. Đối với hạ tầng kỹ thuật CCN Cổng Khánh 1 tại phường Đậu Liêu, Sở Xây dựng đã trình văn bản để hội đồng thẩm định cho ý kiến và hiện đơn vị đang hoàn thiện các thông tin đầu vào, rà soát lại yếu tố để xác định giá đất, trình UBND tỉnh xem xét.
Ngoài ra, Giám đốc Sở TN&MT cũng làm rõ các thông tin xung quanh dự án nhà ở thương mại tại thị trấn Đức Thọ và thị trấn Phố Châu (Hương Sơn).
Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc là người cuối cùng đăng đàn trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp lần này với nội dung giải quyết tồn đọng; cụ thể là phương án quản lý, sử dụng các trụ sở bỏ hoang của một số sở, ngành, địa phương?
Trả lời về phương án quản lý, sử dụng các trụ sở bỏ hoang của một số sở, ngành, địa phương, “tư lệnh” ngành tài chính Trịnh Văn Ngọc đã làm rõ quá trình thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó có các cơ sở nhà, đất thuộc tỉnh quản lý, sử dụng và các cơ sở nhà, đất do Trung ương quản lý, sử dụng cũng như phân nhóm các cơ sở nhà, đất dôi dư.
Giám đốc Sở Tài chính cũng làm rõ nguyên nhân chậm trễ trong xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư, như: Một số cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh trình, phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà đất chậm; một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa tập trung cao trong việc triển khai phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; việc triển khai thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời gian đầu còn có một số khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật…
Về giải pháp thực hiện trong thời gian tới, ông Trịnh Văn Ngọc cho rằng: để xử lý dứt điểm các cơ sở nhà, đất dôi dư, Sở Tài chính sẽ trực tiếp làm việc với các cơ quan Trung ương trên địa bàn đang quản lý tài sản để đôn đốc xử lý. Tham mưu tỉnh các văn bản tiếp tục đề nghị các đơn vị, cơ quan Trung ương thu hồi, chuyển giao, điều chuyển các cơ sở nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng về địa phương quản lý, sử dụng, xử lý theo quy định;
Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thẩm định phương án (điều chỉnh) sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định; kịp thời hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để thực hiện bán đấu giá đối với các cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án xử lý theo hình thức bán đấu giá…
Tham gia phần chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đặt các câu hỏi: Chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung được triển khai ra sao? Tới khi nào thì tình trạng ùn ứ rác thải ở các địa phương sẽ được xử lý? Qua phản ánh của báo chí và cử tri các địa phương, hiện có nhiều nhà máy nước sạch được đầu tư lớn nhưng khi làm xong thì không sử dụng được, gây lãng phí và bất bình trong người dân. Đề nghị cho biết nguyên nhân và giải pháp xử lý việc này? Các hộ dân sản xuất nông nghiệp cho rằng giá lúa giống ở Hà Tĩnh cao hơn nhiều so với một số tỉnh thành lân cận và việc kiểm soát cơ cấu giống lúa thiếu sự kiểm soát chặt chẽ. Đề nghị cho biết thực trạng và giải pháp xử lý? Tồn tại việc định giá đất cho các dự án đã được triển khai ở TX Hồng Lĩnh? (câu hỏi này của đại biểu Nguyễn Huy Hùng – tổ đại biểu TX Hồng Lĩnh, đã hỏi phiên chất vấn chiều qua).
Trả lời về nội dung chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung trên địa bàn Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho hay: Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, đã được xây dựng từ khóa trước và Thường vụ Tỉnh ủy đã có thông báo kết luận cho phê duyệt dự án.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, có thể xây dựng nhà máy xử lý này ở TX Hồng Lĩnh, Cẩm Xuyên hoặc Lộc Hà với công nghệ hiện đại, công suất xử lý 400 – 500 tấn rác/ngày đêm. Với những địa phương xa hơn, như Hương Khê, Hương Sơn, có thể xây dựng nhà máy với công suất nhỏ hơn. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa thực hiện được.
Hiện nay, một số địa phương đang đề xuất tỉnh tự xử lý bằng cách lò đốt độc lập với niên hạn sử dụng 10 năm. UBND tỉnh đã đồng ý cho các địa phương chủ động thu gom, vận chuyển và xử lý rác bằng lò đốt độc lập trong giai đoạn 2022 – 2032 (bằng niên hạn lò đốt), đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tìm hiểu xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung quy mô lớn tại phía Bắc của tỉnh.
Về vấn đề giá giống, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết, vào đầu vụ sản xuất, giá các loại giống có thông báo cụ thể; các doanh nghiệp cung ứng giống theo giá cạnh tranh. Theo ghi nhận thị trường, các loại giống thông thường giá cơ bản như nhau trong khi giống bản quyền có giá cao hơn. Hiện nay, Sở NN&PTNT đã chủ động làm việc với một số công ty cung ứng giống để có những giải pháp để người dân tiếp cận giá hợp lý nhất.