Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại
Đánh giá về thành tựu mà Việt Nam và Liên bang Nga đạt được thời gian qua, triển vọng hợp tác trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trong suốt hơn 65 năm qua, từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950, trở thành Đối tác chiến lược năm 2001 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện tháng 7/2012, quan hệ hợp tác giữa hai nước có bước phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu với nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang. |
Trong đó, quan hệ chính trị với độ tin cậy cao ngày càng được tăng cường thông qua cơ chế trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương thường xuyên ở các cấp, đặc biệt là cấp cao và cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược. Hai bên cũng luôn hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM, ASEAN - Nga… Đặc biệt, Việt Nam và Nga đã và đang hợp tác chặt chẽ trong năm APEC Việt Nam 2017.
Hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển năng động. Hai bên đã tiến hành Khóa họp lần thứ 19 Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật (tháng 9/2016), tiếp tục triển khai Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên. Các dự án hợp tác dầu khí được triển khai hiệu quả tại cả hai nước. Đặc biệt, việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất ô tô hứa hẹn đem đến những chuyển biến tích cực trong quan hệ kinh tế Việt - Nga.
Về những vấn đề trọng tâm hai bên sẽ trao đổi trong khuôn khổ chuyến thăm Liên bang Nga tới đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, chuyến thăm nhằm tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi Liên bang Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, là đối tác chiến lược toàn diện, tin cậy. Hai bên sẽ trao đổi về quan hệ hợp tác song phương, xác định phương hướng và biện pháp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là việc triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nga hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Liên bang Nga tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hợp tác khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, lao động và hợp tác giữa các địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt sinh sống, làm ăn ổn định, hòa nhập tốt với nước sở tại, đóng góp vào sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Đánh giá về vai trò của Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu và Việt Nam trong việc đưa kim ngạch thương mại song phương Việt - Nga lên mức 10 tỷ USD vào năm 2020, Chủ tịch nước cho biết, Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam và các nước thành viên EAEU xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của nhau, góp phần làm đa dạng hóa thị trường tiêu dùng của mỗi nước. Sau khi Hiệp định có hiệu lực, dự kiến kim ngạch thương mại Việt Nam - Liên bang Nga tăng bình quân 18 - 20%/năm, đạt 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020.
Chủ tịch nước cho rằng, với cơ cấu kinh tế, hàng hóa bổ sung cho nhau giữa Việt Nam và các nước thành viên EAEU, Hiệp định này sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế của mỗi nước, tăng cường trao đổi thương mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực để EAEU mở rộng quan hệ hợp tác với Cộng đồng ASEAN - một thị trường thống nhất, phát triển năng động với dân số trên 600 triệu người, GDP đạt khoảng 2.500 tỷ USD.
Việt Nam và Belarus cùng nắm bắt tnhững cơ hội mới
Về triển vọng hợp tác Việt Nam - Belarus trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, quan hệ Việt Nam - Belarus có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, năng động và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, các thỏa thuận quan trọng được ký kết và đã có hiệu lực trong lĩnh vực kinh tế - thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu và Nghị định thư Việt Nam - Belarus về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải gắn động cơ trên lãnh thổ Việt Nam sẽ tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Đồng thời, hai bên đang tích cực triển khai dự án Liên doanh lắp ráp, sản xuất xe tải giữa Công ty cổ phần “Nhà máy ô tô Min-xcơ” (MAZ) và Công ty cổ phần Âu Việt. Đây là Liên doanh đầu tiên giữa Việt Nam và Belarus, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động cuối năm nay. Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được đẩy mạnh, nhất là trong việc xuất khẩu nông sản và liên doanh chế biến nông sản.
Cùng với việc tiếp tục phát triển hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thông tin - truyền thông, hai nước sẽ mở rộng hợp tác sang lĩnh vực tài nguyên - môi trường. Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam ủng hộ và khuyến khích các địa phương hai nước thiết lập quan hệ hợp tác trực tiếp, chủ động đề xuất kế hoạch hợp tác cụ thể trên cơ sở các thỏa thuận đã ký nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, mở rộng trao đổi giao lưu văn hóa, quảng bá du lịch và nghệ thuật, thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng khẳng định Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu mang đến cơ hội quý báu, một không gian mới để phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Belarus. Về tổng thể, hai bên đã cam kết dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.
Mức ưu đãi thuế quan mà hai bên dành cho nhau cho phép Việt Nam và Belarus tăng khối lượng xuất khẩu sang thị trường của nhau, nhất là các mặt hàng chủ lực cân bằng hơn cán cân thương mại song phương và đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 500 triệu USD trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, hai nước có thể nghiên cứu thành lập liên doanh sản xuất, chế biến phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của mỗi bên, tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào được nhập từ thị trường của nhau nhằm tranh thủ những ưu đãi của Hiệp định.
Chủ tịch nước tin tưởng, phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, Việt Nam và Belarus sẽ cùng nắm bắt tốt nhất những cơ hội mới, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.