- PV: Hiện nay, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo ông, sự cần thiết và hiệu quả của việc làm này ở Hà Tĩnh như thế nào?
Ông Hà Văn Hùng: Hà Tĩnh có nhiều đơn vị hành chính cấp xã quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập quy hoạch dài hạn, kế hoạch định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bị phân tán.
Việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở địa phương tăng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nhất là ở cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình phát triển kinh tế - xã hội; ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy ngày càng lớn; đại đa số các đơn vị cấp xã thu ngân sách tại địa phương không đủ cân đối chi thường xuyên, chủ yếu cấp trên phải hỗ trợ...
Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, việc tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở Hà Tĩnh là rất cần thiết và có ý nghĩa lớn nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh và Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Văn Hùng kiểm tra xây dựng NTM ở Vũ Quang
- PV: Theo ông, những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở Hà Tĩnh như thế nào?
Ông Hà Văn Hùng: Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, chủ động xây dựng các phương án, đề án về sáp nhập các đơn vị hành chính một cách khách quan, khoa học, với tinh thần quyết tâm cao nhưng không áp đặt cứng nhắc để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của trung ương, đồng thời đảm bảo phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn.
Qua khảo sát, nắm tình hình nhân dân, chúng tôi nhận thấy đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân cơ bản nắm được quan điểm, chủ trương, kế hoạch dự kiến sáp nhập các đơn vị hành chính liên quan ở các địa phương, đơn vị. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức đã có nhận thức đúng đắn về sự cần thiết thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; xác định rõ thái độ, trách nhiệm của việc quán triệt, tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo và gương mẫu tham gia tổ chức thực hiện. Đa số các tầng lớp nhân dân tỏ thái độ đồng thuận và tin tưởng với chủ trương, nghị quyết về thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân là cơ bản, thì vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, những tâm tư, ý kiến, kiến nghị của cán bộ và nhân dân cần được các cấp, các ngành quan tâm tập trung phối hợp giải quyết, tháo gỡ để việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết đạt kết quả cao nhất, đó là:
- Thứ nhất, theo nghị quyết của Trung ương thì Hà Tĩnh là đơn vị có số lượng đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp, sáp nhập lớn (thứ 2 cả nước); trong lúc thời gian chuẩn bị cho tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang cận kề. Vì vậy, việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của trung ương trong một thời gian ngắn ít nhiều sẽ có những tác động, khó khăn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, nhất là ở cấp cơ sở.
- Thứ hai, đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng từ trước đến nay đã nhiều lần có chủ trương tách - nhập đơn vị hành chính các cấp, tuy nhiên thực hiện một thời gian sau đó lại tách ra gây xáo trộn, lãng phí tài sản và ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung. Vì vậy, việc thực hiện chủ trương sáp nhập lần này cần được đánh giá chi tiết, cụ thể, khoa học, tính toán chi tiết tác động mặt tích cực, tiêu cực của việc sáp nhập xã đến đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội...; có lộ trình, bước đi thích hợp, thận trọng để đảm bảo tính bền vững, tránh việc sáp nhập không hiệu quả, tách - nhập nhiều lần, gây mất ổn định, lãng phí, tốn kém, làm ảnh hưởng đến niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
- Thứ ba, công tác sắp xếp, bố trí cán bộ là vấn đề trọng tâm, là mối quan tâm hàng đầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình thực hiện chủ trương, đề án sáp nhập; sau khi sáp nhập sẽ dư thừa nhiều cán bộ (theo rà soát số dư thừa sau sáp nhập: 873 cán bộ công chức, 376 cán bộ không chuyên trách, 92 viên chức trạm y tế…). Bên cạnh đó, số lượng cấp trưởng, nhất là cán bộ cấp phó dư thừa, đặc biệt là đối với những huyện có số lượng các xã phải sáp nhập lớn, sáp nhập 3 xã với nhau thì việc lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức cho xã mới sẽ gặp nhiều khó khăn; đội ngũ chủ tịch MTTQ và trưởng các đoàn thể chính trị xã hội cấp xã khi giữ chức vụ cấp phó sẽ trở thành cán bộ không chuyên trách… Nếu thực hiện không tốt sẽ tác động lớn đến tâm tư tình cảm của cán bộ đảng viên và nhân dân, gây bất ổn ở các địa phương.
Cán bộ phường Sông Trí tuyên truyền cho người dân nắm rõ chủ trương trước khi sáp nhập phường Sông Trí và xã Kỳ Hưng - 2 đơn vị hành chính cấp xã đầu tiên tại thị xã Kỳ Anh
- Thứ tư, cơ sở vật chất các xã cũ, sau khi sáp nhập nếu không có phương án sử dụng hợp lý sẽ dư thừa nhiều, nhất là trụ sở làm việc của xã, trường học, trạm xá, nhà văn hóa thôn. Sau khi các xã mới được hình thành, sẽ có khó khăn về việc kết nối liên thông giữa các thôn (cầu cống, đường sá...), việc nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng đảm bảo đồng bộ cho xã mới (trường học, trạm y tế...) cần có nguồn kinh phí tương đối lớn.
- Thứ năm, thực trạng hiện nay, rất nhiều đơn vị cấp xã trong diện dự kiến có phương án sáp nhập còn nợ, nhất là nợ xây dựng cơ bản, thậm chí là nợ đọng kéo dài và có một số chính sách liên quan trực tiếp đến người dân với các mức độ khác nhau chưa được giải quyết dứt điểm. Tình trạng nợ cũ và các chính sách tồn đọng của người dân không được giải quyết dứt điểm dễ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, gây bức xúc, bất bình trong doanh nghiệp và nhân dân.
- PV: Vậy theo ông, trong thời gian tới, Hà Tĩnh cần tập trung những nội dung gì để đảm bảo thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Trung ương, đồng thời tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong sáp nhập các đơn vị hành chính để ổn định và phát triển đi lên?
Ông Hà Văn Hùng: Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả và bền vững các chủ trương, nghị quyết của trung ương, của tỉnh về sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị cần quan tâm tập trung một số nội dung công việc:
- Thứ nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Tập trung đánh giá và nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; có giải pháp tuyên truyền, vận động, giải thích phù hợp, sát thực với chủ trương chung và đặc thù từng địa phương, đảm bảo sáp nhập ổn định, đồng thuận và phát triển.
Sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn, hệ trọng, đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm cao của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực sự tiên phong, gương mẫu
- Thứ hai, cần xây dựng phương án tổng thể và chi tiết về việc xây dựng cơ cấu và tổ chức bộ máy, phương pháp tiến hành, lựa chọn đội ngũ cán bộ của các xã sáp nhập, đồng thời phải có lộ trình rõ việc giảm số lượng lãnh đạo, đội ngũ cán bộ dôi dư có tính khả thi cao. Việc tiến hành phải dân chủ, công khai minh bạch, công bằng và khách quan trong công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ đủ tiêu chuẩn, năng lực và trách nhiệm để đảm đương công việc lãnh đạo, quản lý xã sau sáp nhập có quy mô lớn; gần dân, sâu sát địa bàn, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Tránh tình trạng để xảy ra quan liêu, tiêu cực, cục bộ địa phương, gây bất ổn, mất đoàn kết nội bộ và mất niềm tin trong nhân dân...
- Thứ ba, song song với việc sắp xếp cần nghiên cứu kỹ các chính sách về công tác cán bộ đã ban hành (như Nghị định 108, Nghị định 113, Nghị định 26 của Chính phủ, Nghị quyết 127 của HĐND tỉnh…), đồng thời, tỉnh cần nghiên cứu đề xuất Trung ương, cũng như tỉnh sớm xem xét, ban hành bổ sung các chính sách mới hỗ trợ đối với các đối tượng cán bộ, công chức không nằm trong diện điều chỉnh của các Nghị định, Nghị quyết nói trên (đặc biệt là chủ tịch MTTQ, trưởng các đoàn thể; cán bộ bán chuyên trách; cán bộ nằm trong độ tuổi dưới 50 tuổi, có thời gian cống hiến, đầu tư học tập để hoàn thiện về tiêu chuẩn chức danh, nhưng số năm đóng BHXH còn ít…). Cần có lộ trình để giải quyết, sắp xếp cán bộ, công chức xã; nghiên cứu cơ chế chuyển ngạch từ cán bộ sang công chức xã, cán bộ công chức từ xã lên huyện, từ xã này sang xã khác...
- Thứ tư, cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể việc sáp nhập, sử dụng cơ sở vật chất, tránh việc lãng phí xây dựng cơ sở vật chất (nhất là nhà văn hoá, trú sở, trạm y tế, trường học…) ở các xã trong diện sáp nhập, tránh lãng phí tài sản của nhà nước và nhân dân. Cơ sở vật chất các xã cũ tiếp tục chuyển giao cho xã mới, trên cơ sở đánh giá đúng chất lượng và công năng sử dụng. Các cơ sở vật chất dư thừa cần làm thủ tục chuyển về thôn, xóm hoặc đấu giá xử lý đúng quy định, tránh lãng phí hoặc để xuống cấp, hư hỏng.
- Thứ năm, ngành Tài chính phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra chặt chẽ tình tình tài chính, ngân sách của các xã trong diện sáp nhập, nhất là các khoản nợ, tránh tình trạng lợi dụng sáp nhập kê khai không chính xác dẫn đến việc thất thoát tài sản, tranh chấp, bỏ sót... sau này khó xử lý.
- Thứ sáu, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn, hệ trọng, là trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, của cả hệ thống chính trị, vì vậy đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm cao của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực sự tiên phong, gương mẫu trong quá trình tổ chức thực hiện, nhằm vừa đảm bảo thực hiện tốt chủ trương sáp nhập, vừa đảm bảo ổn định tình hình, thúc đẩy sự phát triển của các địa phương và tỉnh nhà.
- PV: Xin cảm ơn ông!