Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 22 - 25/7/2025 trên sông Cả xuất hiện một đợt lũ với biên độ lớn, đỉnh lũ tại thượng lưu và hạ lưu sông Cả có khả năng lên trên mức BĐ3, cấp độ rủi ro thiên tai do lũ là cấp 3.
Thực hiện Công điện khẩn số 4679/CĐ-BNNMT ngày 22/7/2025 về việc ứng phó khẩn cấp với mưa, lũ lớn và Văn bản số 4681/BNNMT-ĐĐ ngày 22/7/2025 về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó với mưa, lũ trên sông Cả. Để chủ động ứng phó lũ trên sông Cả, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị nêu trên khẩn trương thực hiện ngay một số nhiệm vụ.
Triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nội dung chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại: Công điện khẩn số 4679/CĐ-BNNMT ngày 22/7/2025 về việc ứng phó khẩn cấp với mưa, lũ lớn và Văn bản số 4681/BNNMT-ĐĐ ngày 22/7/2025 về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó với mưa, lũ trên sông Cả; của Chủ tịch UBND tỉnh tại: Văn bản số 4968/UBND-NL1 ngày 10/7/2025 về việc tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai; Công điện số 17/CĐ-UBND ngày 19/7/2025, Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 21/7/2025 về việc khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 3, tiếp tục chủ động các giải pháp ứng phó với tình hình thiên tai thời gian tới.
Lụt ngập nóc nhà ở biên giới Nghệ An
UBND các xã, phường: Đức Thọ, Đức Minh, Đức Quang, Bắc Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Tiên Điền, Đan Hải theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng, tránh.
Đồng thời, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tăng cường các hoạt động thông tin về tình hình thiên tai trên địa bàn, tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với mưa, lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. Tiến hành rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Chủ động tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục, các công trình đê điều đang thi công dở dang để đảm bảo an toàn.
Tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đê, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố, tình huống có thể xảy ra ngay từ giờ đầu. Sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để hộ đê.
Sở Nông nghiệp và Môi trường (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh) theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thiên tai, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản.
Sở Xây dựng phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, chỉ đạo các địa phương cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các bến đò dọc, đò ngang, các ngầm, tràn qua sông, suối để tránh xảy ra các trường hợp thiệt hại về người do bất cẩn. Sẵn sàng triển khai các phương án đảm bảo giao thông khi có thiên tai trên địa bàn. Chuẩn bị phương tiện để kịp thời chi viện cho các công trình trọng điểm khi có lệnh.
Chi cục Thủy lợi, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, BQL Dự án đầu tư xây dựng Nông nghiệp và PTNT tỉnh; UBND các xã ven đê La Giang (xã Đức Thọ, Đức Quang, phường Bắc Hồng Lĩnh) triển khai công tác bảo đảm an toàn cho tuyến đê La Giang, tăng cường công tác tuần tra canh gác đê theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố, tình huống có thể xảy ra ngay từ giờ đầu. Sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để hộ đê; đồng thời, kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị và chủ động ứng phó với các sự cố, tình huống có thể xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động chi viện cho các địa phương.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh thường xuyên cập nhật tình hình thiên tai trên sông Cả, cung cấp kịp thời các cảnh báo, dự báo về tình hình mưa, lũ trên lưu vực sông Cả cho các địa phương, đơn vị chủ động các phương án ứng phó.
Báo Hà Tĩnh, các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến xã, phường thường xuyên thông báo diễn biến của lũ và các chỉ đạo của các cơ quan chức năng để các tổ chức, cá nhân toàn tỉnh biết chủ động phòng tránh.
Các địa phương, đơn vị tổ chức lực lượng trực ban 24/24h tại các cơ quan, đơn vị để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo.
Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề đột xuất, phát sinh.