Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm nay 8,3-8,5%

Chính phủ nêu con số tăng trưởng kinh tế năm nay cần đạt 8,3-8,5%, cụ thể hơn so với mức từ 8% trở lên đưa ra trước đó.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế ngày 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trước đó xác định năm nay GDP phải tăng 8% trở lên.

Theo Thủ tướng, tại hội nghị này, Chính phủ đưa ra con số cụ thể là cả nước cần đạt mức tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 8,3-8,5%, tạo đà để đạt mức hai chữ số trong giai đoạn 2026-2030. Chính phủ sẽ có một nghị quyết mới về giao chỉ tiêu, điều hành kịch bản tăng trưởng.

"Muốn đạt được mục tiêu này thì phải làm gì, từ đó xác định các trụ cột, động lực tăng trưởng", ông nói, nhấn mạnh các bộ ngành, cơ quan, tập đoàn, thành phần kinh tế đều phải "nỗ lực, tiến lên".

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với các địa phương về kịch bản tăng trưởng 2025, sáng 16/7. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với các địa phương về kịch bản tăng trưởng 2025, sáng 16/7. Ảnh: TTXVN

6 tháng đầu năm, GDP tăng 7,52%, mức cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2011-2025. Hiện Bộ Tài chính xây dựng 2 kịch bản cho cả năm nay, theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Kịch bản 1, GDP 2025 tăng 8%. Như vậy, tăng trưởng kinh tế quý III cần đạt 8,3% so với cùng kỳ, quý IV cần ở mức 8,5%, cao hơn dự kiến trước đó 0,1 điểm phần trăm. Quy mô GDP cả năm khoảng trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD.

Kịch bản 2, GDP năm nay tăng 8,3-8,5%. Bộ Tài chính ước tính tương ứng tăng trưởng quý III đạt 8,9-9,2% và quý IV là 9,1-9,5%. Các mức này cao hơn kịch bản cũ lần lượt 0,6-0,9% và 0,7-1,1%. Như vậy, quy mô GDP năm 2025 sẽ khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.

Tương ứng với 2 kịch bản trên, ông Thắng cho biết Bộ Tài chính cũng dự kiến kịch bản tăng trưởng của các địa phương và tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.

"Các kịch bản này phụ thuộc vào hiệu quả triển khai chính sách, giải pháp, nhất là trong huy động và sử dụng các nguồn lực cho tăng trưởng", ông nói.

img7337-1-17526329832001015503065.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế, ngày 16/7. Ảnh: VGP

Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao 8,3-8,5%, Bộ Tài chính cho rằng các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm cao hơn so với mục tiêu trước đó, nhất là địa phương đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước như Hà Nội, TP HCM là 8,5%, Quảng Ninh 12,5% và Thái Nguyên 8%... Các mức này cao hơn 0,4-1% so với chỉ tiêu hồi đầu năm. Tương tự, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.

Với kịch bản tăng trưởng năm 2026, Bộ trưởng cho biết cơ quan này kiến nghị tiếp tục rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực và địa phương, bảo đảm đạt 10% trở lên.

Về giải pháp cho kịch bản tăng trưởng, theo Bộ Tài chính, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, kết luận của các cấp có thẩm quyền. Đồng thời, nhà điều hành cần thúc đẩy đầu tư, huy động vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỷ USD, cao hơn 3 tỷ USD so với kịch bản trước đó.

Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm khoảng 28 tỷ USD (tương đương 700.000 tỷ đồng). Các bộ ngành, địa phương phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm nay và số vốn được giao bổ sung từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách 2024 (khoảng 152.700 tỷ đồng).

Theo kịch bản này, đầu tư tư nhân dự kiến khoảng 60 tỷ USD, cao hơn 3 tỷ USD so với trước; thu hút FDI đạt 18,5 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 16 tỷ USD; đầu tư khác 7 tỷ USD.

Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2025 (khoảng 16%) trong trường hợp cần thiết, bảo đảm vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên. Ngành ngân hàng cần thực hiện hiệu quả các gói 500.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số, gói tín dụng cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh giải pháp về thúc đẩy tiêu dùng, khai thác thị trường trong nước, tăng xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa với các nước, tạo các động lực tăng trưởng mới.

vnexpress.net

Đọc thêm

Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra

Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong yêu cầu Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra cần tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, đồng thời nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

Chiều 9/7, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng; Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm và cho ý kiến một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Tập trung GPMB dự án đường sắt tốc độ cao qua Hà Tĩnh

Tập trung GPMB dự án đường sắt tốc độ cao qua Hà Tĩnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà yêu cầu các sở, ngành tích cực phối hợp với các xã, phường có tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi qua tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng triển khai dự án.
Cao điểm 90 ngày đêm làm sạch dữ liệu hôn nhân

Cao điểm 90 ngày đêm làm sạch dữ liệu hôn nhân

Cơ quan chuyên môn và các địa phương ở Hà Tĩnh đã mở đợt cao điểm 90 ngày đêm làm sạch dữ liệu hôn nhân và cắt giảm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân, tạo thuận lợi cho người dân.