Thực hiện công tác chuyển đổi số, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai nội dung về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.

Đến nay, công tác chuyển đổi số của Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Có 24/26 chỉ tiêu theo Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã hoàn thành, còn 2 chỉ tiêu đang tiếp tục thực hiện.
Về nhân lực, tổng số cán bộ CNTT, chuyển đổi số toàn tỉnh là 612 người, trong đó 424 người có trình độ chuyên ngành CNTT, 188 người có trình độ chuyên ngành gần CNTT; trình độ thạc sĩ 65 người, đại học 429 người, cao đẳng 56 người, trung cấp 62 người. Cán bộ chuyên trách CNTT tại cơ quan hành chính nhà nước 236 người, trong đó, cấp tỉnh 24 người có trình độ đại học trở lên; cấp cơ sở có 212 người, trong đó có 21 người có trình độ đại học, 2 người có trình độ cao đẳng, còn lại có chứng chỉ về công nghệ thông tin.
Hạ tầng kỹ thuật đang từng bước được đầu tư đồng bộ. Đến nay, mạng di động 4G bao phủ 99% khu vực dân cư, kết nối internet đến 100% trung tâm xã với hơn 21.000 km cáp quang và 3.295 trạm BTS. Hệ thống thông tin quan trọng giải quyết thủ tục hành chính, quản lý văn bản và điều hành, các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh, các nền tảng họp trực tuyến được triển khai nâng cấp, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và kết nối liên thông với Trung ương đảm bảo cho vận hành chính quyền 2 cấp.

Toàn tỉnh có 68 nền tảng số, phần mềm, cơ sở dữ liệu của các đơn vị; trong đó có 28 nền tảng, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh với 17 nền tảng đã được kết nối liên thông nền tảng dữ liệu quốc gia, 40 hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu nghiệp vụ chuyên ngành của các đơn vị. Một số cơ sở dữ liệu đã được triển khai và phát huy tốt trong công tác khai thác, định hướng quản lý, phục vụ chỉ đạo điều hành và cung cấp thông tin, dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp .
Trong xây dựng chính quyền số, đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước được kết nối thông suốt; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) đã được xây dựng và đưa vào khai thác. Cổng dịch vụ công trực tuyến đáp ứng yêu cầu liên thông từ Trung ương đến xã; Trung tâm tích hợp dữ liệu đã kết nối các dịch vụ công thiết yếu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cổng Thông tin điện tử tỉnh kịp thời cung cấp, minh bạch thông tin; Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) đang triển khai thí điểm.
Về kinh tế số, thương mại điện tử, đã đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống khai báo, thông quan điện tử và các chương trình vệ tinh; 100% tờ khai hàng hóa xuất, nhập khẩu được khai báo trên hệ thống thông quan tự động; 100% phí, lệ phí được thực hiện theo phương thức điện tử, không dùng tiền mặt trong thanh toán phí, lệ phí hải quan; chú trọng ứng dụng nền tảng số phục vụ sản xuất kinh doanh, sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, phối hợp thu ngân sách nhà nước với các ngân hàng thương mại.

Về xã hội số, đến tháng 6/2025, toàn tỉnh có 510.234 người được tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID; 251/251 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện đồng bộ, liên thông qua BHXH Việt Nam và tích hợp vào VNeID. Có 1.166.112/1.166.308 người đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 354/563 cơ sở lưu trú, khám chữa bệnh tạo tài khoản, đăng ký sử dụng phần mềm ASM. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch triển khai tốt các nền tảng phục vụ xã hội số.
Trong thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tổ chức triển khai chuyển đổi số nhanh chóng, kịp thời, toàn diện, liên thông, đồng bộ trong hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính. Đảm bảm bộ máy vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho đổi mới phương thức quản trị và phát triển bền vững.
Tập trung tháo gỡ ngay các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, dữ liệu, không để xảy ra tình trạng gián đoạn, ách tắc trong giải quyết thủ tục hành chính ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện các nền tảng dùng chung, chuẩn hóa và kết nối các cơ sở dữ liệu các ngành, nâng cao thực chất dịch vụ công trực tuyến tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tiếp theo.

Để thực hiện được các mục tiêu đó, Hà Tĩnh sẽ tập trung, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp. Tập trung xây dựng hạ tầng số và các cơ sở dữ liệu trọng yếu. Đẩy mạnh tương tác giữa chính quyền và xã hội, thực hiện nguyên tắc "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm". Thành lập Văn phòng Điều phối Chuyển đổi số cấp tỉnh giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh triển khai, điều phối, giám sát tất cả các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số từ tỉnh đến xã, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về chuyển đổi số trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Rà soát, lựa chọn cán bộ có kiến thức, kỹ năng và nhiệt tình công tác để thành lập đội ngũ cán bộ nòng cốt về chuyển đổi số của các sở, ban, ngành, xã, phường để tham mưu, tư vấn và triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số tại cơ quan, địa phương, đơn vị. Triển khai đồng bộ các giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan nhà nước