“Bài thuốc” hạ sốt bằng… lươn được truyền trên mạng
Thay vì tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc đưa trẻ đến các cơ sở y tế, nhiều bậc phụ huynh lại tra cứu bệnh tình con em mình trên công cụ tìm kiếm Google và tin tưởng đến mù quáng, bất kể đó là phương pháp điều trị phi khoa học…
Đỉa hút mụn, lươn hạ sốt
Trên facebook của mình, tài khoản tên N.T.N. chia sẻ hình ảnh và thông tin về cách hạ sốt cho trẻ bằng… lươn: “Con mình đang sốt li bì. Uống thuốc, lau mát không hạ, vẫn sốt cao 39 độ từ hôm qua đến giờ. Bà ngoại Cún đi chợ mua con lươn sống về để trên lưng Cún mà kỳ diệu thật, Cún hết sốt, lươn chết luôn. Mẹ nào có con bị sốt cao thì cứ áp dụng nha, hiệu quả 100%”. Thực hư chưa rõ về cách hạ sốt này nhưng không ít bà mẹ đã tin và làm theo.
Hay như trường hợp chị Hoàng Thị Tr. (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội), thấy cô con gái 10 tuổi đi tiêu chảy suốt một ngày đến lả cả người, tra Google theo biểu hiện triệu chứng của con thì được “khuyên dùng Loperamide hiệu quả, giảm ngay tiêu chảy”, chị làm theo luôn. Ngay sau khi uống, con gái chị giảm hẳn tiêu chảy. Tuy nhiên, sang ngày thứ 3 thì sốt cao, nôn ói, đau bụng, buộc phải đưa đi cấp cứu. Qua xét nghiệm, con chị Tr. được xác định có dấu hiệu nhiễm khuẩn huyết, nguyên nhân chính là do chị tự cầm tiêu chảy Loperamide cho con.
Theo bác sĩ giải thích, với các trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn, virus hay nhiễm khuẩn thì nguyên tắc đầu tiên để điều trị là bù nước, chất điện giải và không được dùng thuốc cầm tiêu chảy ngay. Bởi, đi ngoài là để tống xuất hết các tác nhân gây bệnh ra khỏi hệ tiêu hóa. Việc dùng thuốc cầm tiêu chảy này sẽ làm giảm nhu động ruột, tác nhân gây bệnh ứ lại trong đường ruột, tạo thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu…
Trao đổi về cách hạ sốt bằng… lươn như đã nêu trên, BS. Nguyễn Tiến Dũng, chuyên khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, bao nhiêu năm làm nghề chưa bao giờ nghe tới cách hạ sốt này và khẳng định, đây là cách làm phi khoa học. Việc dùng lươn sống tiếp xúc trực tiếp lên da trẻ có thể gây nhiễm trùng và dị ứng, chưa kể đến việc gây hoảng sợ cho trẻ.
Thực tế, việc cha mẹ hỏi nhau qua mạng xã hội hay qua “bác sĩ Google”, rồi tự ý sử dụng các bài thuốc “truyền miệng” để điều trị cho con, đến khi bệnh trở nặng rồi nhập viện cũng không hiếm gặp.
BS. Trương Hữu Khanh, BV Nhi đồng 1 TP HCM cho hay: “Thực tế, bách bệnh hỏi Google đều ra, tuy nhiên nguồn gốc, độ xác thực lại không ai kiểm chứng. Khi người bệnh đang lưỡng lự thì bắt gặp những bài viết khen ngợi trên mạng, những bình luận tích cực về phương pháp chữa bệnh mà họ đang cần. Do vậy, họ tin rồi làm theo mà không đắn đo gì, rất nguy hiểm”.
Theo BS. Khanh, các phương pháp chữa bệnh quái dị như cho đỉa hút mụn rộp, nám da thì chà lá trầu không, trẻ viêm tai giữa nhỏ dầu mè vào tai, hay hạ sốt bằng lươn bò trên lưng… là những cách chữa bệnh quá sức phản khoa học, thậm chí có thể khiến bệnh nhân nhiễm trùng, làm tình trạng bệnh thêm nặng.
Thật - giả “bác sĩ Google”
Nhìn nhận về vấn đề “nhiễu thông tin sức khỏe trên mạng”, mới đây TS., BS. Phạm Thị Việt Hương, chuyên khoa Nhi, BV K T.Ư chia sẻ: “Việc tìm kiếm thông tin về vấn đề sức khỏe trên mạng đang trở thành một trào lưu rất nguy hiểm. Mặt lợi rất ít, nhiều người dân ngại đi khám, người bệnh phải mất thời gian, mất công, mất tiền. Mặt hại là khi chúng ta nhận những thông tin nhưng không có kiến thức nền để tự kiểm chứng, chúng ta không biết thông tin đó đúng hay sai. Việc tìm kiếm thông tin chữa bệnh trên internet không chỉ nguy hiểm cho người bệnh mà còn nguy hiểm cho cả cộng đồng”.
Dẫn chứng cho điều này, BS. Hương cho biết: “Trong lĩnh vực ung thư của tôi, một bà mẹ bỉm sữa chia sẻ trên facebook của mình là một người hàng xóm bị ung thư bệnh viện trả về và uống bồ công anh 3 tháng khỏi bệnh. Trong khi thực tế, chị này chỉ ngồi một chỗ, nghe đồn về một bệnh nhân mà không biết bệnh nhân này có thật hay không, có đúng bị ung thư và bệnh viện trả về và khỏi nhờ uống bồ công anh hay không.
Thông tin được đưa lên facebook, được mọi người bình luận và chia sẻ cho những bệnh nhân đang điều trị ung thư. Điều này khiến các bệnh nhân đang điều trị ung thư trở nên hoang mang với các phương pháp đang điều trị ở bệnh viện, họ có tư tưởng bỏ điều trị chính thống để theo phương pháp điều trị không được kiểm chứng như vậy”.
Cùng quan điểm, BS. Trương Hữu Khanh cũng nhìn nhận, trong y học, mỗi bệnh sẽ có một phác đồ điều trị riêng. Có thể cùng một bệnh sốt siêu vi nhưng người A sẽ được điều trị khác và người B lại có phác đồ điều trị khác. Tùy vào cơ địa từng người sẽ có từng loại thuốc khác nhau, có thời gian theo dõi và chỉ định khác nhau.
Do đó, tin theo phương pháp chung trên mạng mà áp dụng cho nhiều người là rất nguy hiểm cho người bệnh, không những bệnh nặng hơn mà vô tình tước mất cơ hội được sống, được điều trị tốt tại bệnh viện.