Chuyển giao khoa học và công nghệ giúp người dân Lào phát triển kinh tế

(Baohatinh.vn) - Trong không khí thắm tình đoàn kết hữu nghị hợp tác và niềm vui chung của hai dân tộc trong năm đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022, cán bộ ngành KH&CN Hà Tĩnh đang gấp rút chuyển giao công nghệ, giúp người dân Lào nuôi hươu, trồng nấm…

Chuyển giao khoa học và công nghệ giúp người dân Lào phát triển kinh tế

Cán bộ kỹ thuật, người dân tỉnh Bolikhămxay tham quan, học tập kinh nghiệm chăn nuôi hươu tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Tỉnh Bolikhămxay có 63% diện tích đất tự nhiên là đất rừng, đất đồi núi phù hợp phát triển ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, do tập quán sinh sống của người dân chủ yếu bằng nghề nông nên hằng năm, một lượng phế, phụ phẩm tạo ra từ ngành nông nghiệp rất lớn như: thân lõi ngô, thân sắn, rơm rạ... là giá thể thích hợp cho việc nuôi trồng nấm. Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng tại tỉnh Bolikhămxay, nghề chăn nuôi hươu và trồng nấm hiện không phát triển do thiếu kỹ thuật.

Theo nội dung Nghị định thư “Hợp tác nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu và nuôi hươu tại tỉnh Bolikhămxay, nước CHDCND Lào”, Hà Tĩnh sẽ nghiên cứu, chuyển giao KHKT sản xuất nấm và nuôi hươu phù hợp với điều kiện của tỉnh Bolikhămxay. Trong đó, tập trung chuyển giao công nghệ xây dựng mô hình nhân giống, nuôi trồng, sơ chế, bảo quản các loại: nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ và linh chi với năng suất và chất lượng cao; hình thành quy trình công nghệ để xây dựng mô hình nhân giống, chăn nuôi hươu, sơ chế và bảo quản nhung hươu.

Chuyển giao khoa học và công nghệ giúp người dân Lào phát triển kinh tế

Những ngày này, cán bộ, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu, phát triển nấm và Tài nguyên sinh vật đang trực tiếp chuyển giao các kỹ thuật sản xuất nấm tại Bôlikhămxay.

Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển nấm và Tài nguyên sinh vật (Sở KH&CN) được giao là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Ông Trần Đức Hậu - Giám đốc trung tâm chia sẻ, năm 2022, khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, trung tâm khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch. Đến nay, các trang thiết bị, máy móc phục vụ cho việc sản xuất nấm đã được bàn giao đầy đủ cho phía bạn. Các quy trình công nghệ về sản xuất nấm và nuôi hươu tại tỉnh Bolikhămxay đều được nghiên cứu, hoàn thiện và được Hội đồng khoa học cơ sở thông qua.

Các nhà khoa học Hà Tĩnh cũng đã phối hợp với phía bạn Lào lựa chọn 1 địa điểm với diện tích 2 ha để xây dựng các mô hình sản xuất nấm bao gồm: mô hình nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ về tuyển chọn, nhân giống nấm; mô hình sản xuất giống nấm thương phẩm (bịch phôi nấm); mô hình nuôi trồng, chế biến nấm thương phẩm. Lựa chọn 1 địa điểm xây dựng mô hình nhân giống hươu (quy mô 5 hươu đực và 10 hươu cái) và 5 địa điểm xây dựng mô hình sản xuất nhung hươu (4 mô hình bán chăn thả và 1 mô hình nuôi nhốt) với quy mô 20 con/mô hình.

Chuyển giao khoa học và công nghệ giúp người dân Lào phát triển kinh tế

Đến nay, phần lớn cán bộ kỹ thuật tỉnh Bolikhămxay và người dân tham gia mô hình đã cơ bản nắm vững kỹ thuật trồng nấm, nuôi hươu.

Những ngày qua, trung tâm đã xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình Bộ KH&CN phê duyệt đối với các gói thầu mua sắm con giống và thức ăn chăn nuôi hươu. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã tổ chức đón tiếp bạn Lào sang tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất, nuôi trồng nấm và nuôi hươu tại địa phương. Quá trình tham quan, các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật đã tận tình hướng dẫn phía bạn tiếp tục ứng dụng các quy trình nhân giống nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi, nấm mộc nhĩ và xây dựng mô hình sản xuất nấm thương phẩm; xây dựng chuồng trại chăn nuôi hươu nhốt và chuồng bán chăn thả; ứng dụng các quy trình kỹ thuật chăn nuôi hươu từ lựa chọn thức ăn, bàn giao con giống tới các hộ, xử lý chất thải chăn nuôi hươu, phòng và chữa bệnh, kỹ thuật phối giống... Đồng thời, trung tâm cũng cử cán bộ, chuyên gia sang trực tiếp chuyển giao các kỹ thuật sản xuất nấm tại Bolikhămxay.

Ông PìngthongKeo SinghaconKham - Phó Giám đốc Sở Công nghệ và Truyền thông tỉnh Bolikhămxay cho biết: Cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguyên liệu, trang thiết bị của nhiệm vụ Nghị định thư, UBND tỉnh Bolikhămxay đã đóng góp kinh phí xây dựng nhà xưởng sản xuất nấm và đang tiếp tục xây dựng các công trình nhà trồng nấm, bể chứa nước... Sở Công nghệ và Truyền thông Bolikhămxay mong muốn Hà Tĩnh tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ hoàn thành các hạng mục còn lại theo nội dung Nghị định thư đã ký kết.

Chuyển giao khoa học và công nghệ giúp người dân Lào phát triển kinh tế

Sở KH&CN Hà Tĩnh và ngành KH&CN tỉnh Bolikhămxay thường xuyên triển khai các chương trình tọa đàm hợp tác về khoa học và công nghệ.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN Bùi Quang Hoàn, qua các hoạt động trao đổi, làm việc giữa Sở và các đơn vị, địa phương của nước bạn Lào, hai bên đã khẳng định tăng cường hợp tác nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là hỗ trợ ngành KH&CN tỉnh Bolikhămxay phát triển; thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xa hơn là đưa KH&CN trở thành động lực, trụ cột vững chắc để góp phần phát triển KT-XH tỉnh bạn.

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.