Bố tôi thật lạ, ông bảo tóc dài rồi, phải đi “tút tát” lại để đón noel thôi, ấy thế mà, đã hơn một tuần trôi qua, đầu tóc ấy vẫn dài ra chứ không ngắn đi. Ông phân trần “không biết chú Bắc đau ốm chi không mà nghỉ làm cả tuần nay. Khổ thân mình vòng qua, vòng lại mấy lần mà không cắt được tóc. Lâu nay toàn cắt ở đó, giờ chỉ cần đến là chú ấy cắt theo đúng ý mình, khỏi phải nói nhiều”.
Tưởng rằng, tiệm của chú Bắc phải thật nổi tiếng trong “giới tạo mẫu” tóc của phố nhỏ Thành Sen, nhưng thật bất ngờ khi gọi là tiệm nhưng không phải…tiệm. Nằm ở góc ngã tư đường Đặng Dung, “tiệm” cắt tóc của chú Bắc “lớn” đến nỗi nếu lướt ngang qua, người ta sẽ không biết đó là chốn mưu sinh gần 20 năm của chú. Chỉ với một cái gương đã cũ, một ghế da sờn và tông đơ, kéo, dao lam, chú Bắc đã lặng lẽ làm đẹp cho nhiều người với nghề cắt tóc nam vỉa hè.
Mặc dù rất kiệm lời, nhưng khi gợi đến những niềm vui của nghề trong suốt gần 20 năm qua, chú Bắc lại trải lòng như chưa từng được chia sẻ. Chú kể “có những nhà, tôi cắt tóc cho từ ông, đến con rồi nay là đến cháu. Thế mà hay, thấy ai cũng hợp, cũng vui. Ngoài kinh tế ra, đó là sự trao trả tuyệt vời nhất mà nghề này mang lại cho những người thợ cắt tóc như chúng tôi”. Lại nữa “tôi không bao giờ cắt được những kiểu tóc lém đém, ngổ ngáo ấy thế nên cũng không thu hút được lượng khách thanh niên choai. Chỉ kiểu tóc chân phương, lịch sự, gọn gàng theo suốt mấy chục năm nên khách cũng chỉ gói gọn ở những người cao niên và trẻ nhỏ, đôi lúc cũng có cán bộ, công chức ghé tiệm”.
Việc thuê một ốt nhỏ để “lên đời” cho cắt tóc nơi vỉa hè đã được chú Bắc nghĩ đến, thế nhưng, gần 20 năm trôi qua, ý tưởng ấy vẫn không được thực hiện. Ông Bắc cắt tóc vỉa hè đã thành thương hiệu lâu nay mà nếu thành salon tóc, ông Bắc có khi lại mất đi những người khách “ruột” đã từng gắn bó.
Cắt tóc là nghề ngồi một chỗ biết chuyện thế giới. Chú Bắc nói rằng sức hấp dẫn của quán tóc vỉa hè chính là những câu chuyện thời sự mà cả thợ và khách quan tâm bàn luận sôi nổi. “Chúng tôi bàn chuyện Đông Tây kim cổ, tin tức báo chí hàng ngày. Thợ với khách cứ phụ họa thêm, vì thế mà chẳng khi nào hết chuyện. Có khi, khách không còn tóc để…cắt nhưng vẫn ghé ra đây để nói chuyện, để chia sẻ những chuyện giữa cuộc sống ngày càng xô bồ, gấp gáp…”
Ngoài “tiệm” của chú Bắc, những người thích cắt tóc vỉa hè còn tìm đến một “đại bản doanh” khác với gần chục bàn ở góc chợ TP Hà Tĩnh. Những thợ cạo này trước đây cũng hành nghề dọc vỉa hè các tuyến đường trong thành phố, nhưng từ khi có chợ mới lại tập trung về đây để tạo nên một “phố” cắt tóc nam với nhiều nét đặc trưng khó có thể trộn lẫn với xu hướng tóc salon sang chảnh, máy lạnh điều hòa chạy êm ru hay nhạc trẻ bật xập xình như hiện nay.
Có tuổi nghề và tuổi đời được xếp vào hạng “lão làng” ở đây, chú Võ Quang Dũng với vẻ ngoài khá nghệ sỹ đã nói rằng “làm nghề gì cũng thế, tình yêu với nghề là điều đưa người ta chạm đến hạnh phúc”. Cắt ngang dòng suy nghĩ khi thấy chú ngẩn ngơ nhìn theo một người đã đi xa tiệm gần trăm mét, chú nói “ông ấy vừa cắt ở chỗ mình xong, mình nhìn xem đẹp xấu chỗ nào để lần sau cắt cho ưng ý hơn”.
Từ những lần “múa kéo” cho bạn bè trong quân ngũ, dần dần, nghề cắt tóc nam đến với chú Dũng từ lúc nào không hay. Suốt 28 năm ấy, đã có những lần chú Dũng tính đến chuyện bỏ nghề, tìm hướng làm ăn mới nhưng tình yêu với cây kéo, với vẻ mặt mãn nguyện của khách hàng đã giúp chú trụ vững với nghề giữa bao sóng gió. “Thợ cắt tóc nào nói chưa từng bị khách chê là người ấy nói dối. Như tôi đây, mỗi lần cắt tóc bị lỗi, khách không ưng ý là ôm nỗi buồn ấy về tận nhà, bực bội “giận cá, chém thớt” ngay cả với vợ con”
“Hạnh phúc của người làm nghề này là khi khách đến đây, nói kiểu tóc muốn cắt, sau vài chục phút cắt tỉa, khách hài lòng với sản phẩm của mình. Thế nên, dù không gian không được sang trọng, các dịch vụ đi kèm như gội đầu, mát xa không có, nhưng những người cắt tóc ở góc chợ như chúng tôi vẫn có lượng khách nhất định” – chú Dũng chia sẻ.
Một cậu nhóc tầm 12 tuổi vừa bước ra khỏi ghế với kiểu tóc cắt cao sáng sủa, nối tiếp đó, cụ ông tầm 70 tuổi vừa đến lượt bước lên để được chú Dũng " múa kéo". Thế là, tóc vỉa hè, góc chợ không chỉ gói gọn trong những bậc cao niên, lao động nghèo như người ta vẫn nghĩ mà có đầy đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Điều họ tìm được ở những tiệm tóc này là sự quen thuộc, giá cả phải chăng (30 -35 nghìn đồng/lần cắt) và cả những tâm sự có thể chia sẻ với người thợ…
Không hẳn thợ cắt tóc vỉa hè, góc chợ là những người đứng tuổi, 8X như anh Trương Huy Lan vẫn chọn chốn này để mưu sinh gần 8 năm nay. Cũng như chú Dũng, chú Bắc, khách hàng đến với anh Lan vì yêu tay nghề, thích sự thoải mái, không bí bách…Dù thu nhập không cao, nhưng nhờ nghề này, anh Lan là trụ cột vững chãi cho gia đình nhỏ 4 người…
Ở những năm 90 của thế kỷ trước, nghề cắt tóc đang rất thịnh hành và là đất diễn cho những người làm nghề. Hồi ấy, không câu nệ chuyện tiệm to hay nhỏ, chỉ cần có tay nghề, cắt hợp với khách hàng là đã “đủ vốn” để mưu sinh. Sau này, khi cuộc sống đủ đầy hơn, những tiệm tóc vỉa hè không còn chiếm thế “thượng phong” như trước nhưng có những lớp người vẫn chọn những thợ cạo như chú Dũng, chú Bắc, anh Lan để giao “góc con người” cho họ làm đẹp…
thiết kế: huy tùng