Cô giáo Nguyễn Tú Tâm tiếp tục niềm đam mê của mình, tham gia cuộc thi "Tìm hiểu 550 năm thành lập huyện Hương Sơn"
Ngôi nhà ấm cúng của cô giáo Tâm nép mình dưới hàng cây xanh, trong vườn trồng nhiều hoa, cây cảnh. Phòng làm việc được “tô điểm” bởi hàng chục bằng khen, giấy khen các loại. Ngoài bằng khen, giấy khen các cấp ghi nhận về thành tích xuất sắc trong giảng dạy, còn có nhiều bằng khen về các cuộc thi do trung ương, tỉnh, huyện và ngành phát động.
Nổi bật là giải ba cấp Quốc gia cuộc thi viết chữ đẹp (Bộ GD&ĐT tổ chức, năm 2002); giải khuyến khích cấp tỉnh cuộc thi viết về Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều (UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức, năm 2015); giải ba cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (Bộ Tư pháp tổ chức, năm 2015); giải khuyến khích cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt - Lào, Lào - Việt” (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức, năm 2017)...
Phòng làm việc được "tô điểm" bởi hàng chục bằng khen, giấy khen các cấp về thành tích xuất sắc trong giảng dạy và các cuộc thi do trung ương, tỉnh, huyện, ngành phát động
Là giáo viên tiểu học, bận rộn với công việc chuyên môn nhưng cô giáo Tâm luôn nêu cao niềm đam mê khám phá và sáng tạo với các cuộc thi tìm hiểu, hiểu biết xã hội. Với cô, đó không chỉ là cuộc thi mà còn là dịp để được trải nghiệm và khám phá, củng cố thêm vốn kiến thức của bản thân mình.
Cô chia sẻ: "Tham gia các cuộc thi tìm hiểu về các vấn đề xã hội là thể hiện sự ủng hộ của một cán bộ, đảng viên với phong trào chung của ngành, địa phương; đồng thời giúp tôi có thêm nhiều vốn hiểu biết, từ đó sẽ hỗ trợ tốt cho công tác giảng dạy. Người giáo viên không chỉ truyền thụ cho các em kiến thức trong sách mà còn phải biết kết hợp với những kiến thức xã hội để làm phong phú vốn hiểu biết cho các em học sinh ".
Kết quả về hành trình đầy nỗ lực và tâm huyết khi tham gia các cuộc thi của cô giáo Tâm.
Từ suy nghĩ ấy, mỗi khi tỉnh, huyện và ngành phát động các cuộc thi tìm hiểu các vấn đề xã hội cô lại tích cực hưởng ứng. Không chỉ tham gia vì phong trào chung mà cô luôn dành nhiều tâm huyết, trí tuệ cho các trang viết của mình.
Mỗi lần làm bài thi, cô thường tranh thủ tìm tư liệu sau những giờ lên lớp, vào buổi tối và các ngày nghỉ trong tuần. Để bài viết phong phú, cô sưu tầm rất nhiều nguồn tài liệu từ thư viện của trường, các tủ sách ở địa phương, thư viện huyện, các ngành liên quan cũng như mạng internet... Đồng thời dành thời gian rong ruổi xuống các địa phương để tìm hiểu, chụp ảnh minh họa cho các trang viết.
Để bài viết phong phú, cô sưu tầm rất nhiều nguồn tài liệu từ thư viện của trường, các tủ sách ở địa phương, thư viện huyện, các ngành liên quan cũng như mạng internet...
“Các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử địa phương, các danh nhân, tìm hiểu pháp luật… đã giúp tôi hiểu được quá khứ, để có thể yêu thêm hiện tại và cố gắng vì tương lai. Hơn nữa, một giáo viên khi giảng dạy để thu hút được học sinh, không chỉ cần sự chắc chắn về kiến thức chuyên môn mà còn cần những kiến thức mở rộng về xã hội” – cô Tú Tâm chia sẻ.
Suốt 23 năm làm nghề dạy học, cô Tâm luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi và phấn đấu nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Hầu như năm nào cô cũng đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen về những thành tích xuất sắc trong công tác, trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.
Cô giáo Tâm dành trọn niềm đam mê cho sự nghiệp "trồng người"
Hiện nay, cô giáo Tâm đang tập trung cho bài dự thi “Tìm hiểu 550 năm thành lập huyện Hương Sơn” do huyện phát động. Tranh thủ mọi thời gian rỗi sau những giờ lên lớp, cô đã sưu tầm tài liệu, biên soạn công phu để cho ra bài thi với tổng số 550 trang.
Mỗi trang viết của cô giáo Tâm đều thể hiện sự sự tâm huyết và tấm lòng của người con quê hương đối với mảnh đất Hương Sơn thân yêu.