Hộ cụ Phạm Vĩnh Thắng là 1 trong 14 hộ gia đình tại thôn Phong Giang được lựa chọn làm du lịch homestay (du lịch tại gia)
Gương mặt quắc thước với lối nói chuyện thân mật, gần gũi, cụ Thắng để lại trong tôi những ấn tượng đẹp trong lần gặp đầu tiên. Cụ Thắng quê nội ở Thừa Thiên - Huế, mẹ là người xã Tiên Điền - Nghi Xuân.
Niềm đam mê của cụ Thắng là chỉnh trang khuôn viên, chăm chút cây trái vườn nhà
Năm 1949, chàng trai Phạm Vĩnh Thắng nhập ngũ và chiến đấu tình nguyện tại chiến trường Lào. Sau khi xuất ngũ năm 1959, anh lính Cụ Hồ Phạm Vĩnh Thắng trở lại quê nhà làm nghề dạy học và đến năm 1982 nghỉ hưu.
Chỉ sau vài đường kéo của cụ, hàng rào cây xanh bỗng trở nên gọn gàng, xinh xắn
Vốn sinh ra ở vùng quê nghèo, lại đông con và cả 6 đứa đang “tuổi ăn tuổi lớn” nên sau khi nghỉ hưu, cụ Thắng lại cùng vợ tần tảo “tay cuốc tay cày”. Mỗi ngày làm việc của cụ bắt đầu từ 5 giờ sáng. Với 1,6 ha ruộng, tương đương 6 định suất, sản lượng thu hoạch của vợ chồng cụ Thắng luôn xếp nhất thôn.
Đặc biệt, với đôi quang gánh trên vai, cụ rảo bước khắp thôn, dọn sạch phân gia súc... Hình ảnh cụ già chân “đi như chạy” dọn sạch rác khắp đường làng, ngõ xóm khiến không ít người xấu hổ khi vứt rác bừa bãi. Cũng từ đó, ý thức giữ gìn môi trường của người dân được nâng lên rất nhiều.
Từ bí đao và các loại rau xanh...
Năm 2012, hai thôn Tiên Phong và Tiên Giang sáp nhập thành thôn Phong Giang. Việc sáp nhập thôn cũng đồng nghĩa là dỡ bỏ 2 nhà văn hóa cũ và tận dụng tối đa nguyên vật liệu như sắt thép, gạch đá để làm nhà văn hóa mới. Tuy tuổi cao nhưng cụ Phạm Vĩnh Thắng vẫn tích cực đóng góp ngày công trong quá trình làm lại nhà văn hóa.
Hình ảnh cụ ông ngồi đẽo gạch rồi xếp gọn lại có sức lay động đặc biệt, đó cũng là nguồn động viên tiếp thêm động lực cho các thành viên. Nhà văn hóa thôn Phong Giang hoàn thành chỉ sau một khoảng thời gian ngắn với nguồn chi phí giảm so với dự toán bởi công sức rất lớn của các thành viên.
...đến bưởi Diễn trong vườn chỉ dùng để biếu hoặc mời bà con lối xóm đến thưởng thức chứ không bán
“Điều đáng nói là mặc dù được miễn các khoản đóng góp nhưng cụ lại cho rằng, như thế là “thiếu công bằng”. Cụ luôn tiên phong trong việc đóng góp kinh phí làm kênh mương, giao thông nông thôn… Diện mạo thôn Phong Giang được như ngày hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của cụ” - Trưởng thôn Phong Giang Trần Thị Lành cho hay.
Trưởng thôn Phong Giang Trần Thị Lành: Thôn Phong Giang thành công nhờ những nhân tố tích cực như cụ Thắng
Ngoài nhiệt huyết với công tác xã hội, niềm đam mê của cụ là chăm chút, chỉnh trang khuôn viên nhà mình. Bởi lẽ “nhà mình có sạch đẹp, thôn xóm mới khang trang”. Tất cả những sản phẩm làm ra trong khu vườn rộng 1.000m2 cụ đều mang biếu bà con hàng xóm.
Sự dẻo dai, bền bỉ của cụ Thắng khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng ít ai biết, cụ đã trải qua 3 lần mổ não và chỉ còn thận phải. Đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận các kênh thông tin, thiết bị hiện đại của cụ cũng khiến nhiều người nể phục. “Mỗi ngày, tôi dành 3 tiếng để nghe radio, lướt nét và vào facebook” - cụ Thắng hồ hởi nói về niềm đam mê của mình.