Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Trần Huy Oánh: Đề nghị BCĐ Xây dựng nông thôn mới huyện Nghi Xuân tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu, bổ sung, sớm hoàn thiện đề án phù hợp với thực tiễn.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Nghi Xuân đã gặt hái nhiều thành công, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân đạt 12 tiêu chí/xã, đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 8 tiêu chí. Huyện cũng hình thành 500 mô hình hoạt động có hiệu quả; kết cấu hạ tầng được tăng cường, từng bước hiện đại hóa; khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu tạo được diện mạo mới, khởi sắc ở nhiều địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam: Bên cạnh xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí của Trung ương và tỉnh, Nghi Xuân xây dựng mỗi khu dân cư mẫu có ít nhất 1 câu lạc bộ văn nghệ dân gian, xây dựng mô hình du lịch làng xã nông thôn mới.
Bên cạnh việc hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới của 100% số xã trên địa bàn, huyện Nghi Xuân phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong tổng thể định hướng phát triển vùng huyện, phát triển về hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nhất là vùng ven biển và vị trí địa lý ven đô thị; tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, xã hội hóa đầu tư, nâng cao vai trò của doanh nghiệp; đẩy mạnh áp dụng KH&CN và liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm hàng hóa chủ lực.
Đặc biệt, huyện phấn đấu đến năm 2019, hoàn thành 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2020 hoàn thành 9 tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
PGĐ Sở Công thương Nguyễn Đình Lộc: Đề án cần bổ sung đánh giá hiện trạng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các khu công nghiệp, các mô hình sản xuất kinh doanh.
Theo dự thảo đề án, huyện Nghi Xuân đã đưa ra từng nhiệm vụ, lộ trình, giải pháp thực hiện cụ thể cho từng nhóm tiêu chí, từng nhóm xã và các tiêu chí cấp huyện. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất, xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, xã nông thôn mới kiểu mẫu; bổ sung hoàn thiện các quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, vùng, liên vùng và sản phẩm chủ lực của huyện trên cơ sở đảm bảo tính liên kết về hạ tầng KT-XH; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, khai thác tối đa và sử dụng hiểu quả, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; khuyến khích việc đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu ở thôn xóm thông qua hỗ trợ vật tư, xi măng để người dân chủ động, phát huy tự chủ; tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của huyện, ưu tiên các sản phẩm có lợi thế gắn với khai thác lợi thế so sánh theo vùng sinh thái; xây dựng phương án tái cơ cấu hoạt động của các HTX, THT đảm bảo nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế…
Dự kiến nguồn vốn xây dựng huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 khoảng 2.004 tỷ đồng.
PGĐ Sở Y tế Trần Xuân Dâng: Huyện cần có kế hoạch vận động người dân tích cực tham gia BHYT
Tại buổi làm việc, các đại biểu góp ý, bổ sung vào nội dung đề án theo từng lĩnh vực, tiêu chí cụ thể. Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình với nội dung đề án, xét thấy khả thi thực hiện.
Đề nghị huyện phải có kế hoạch, lộ trình lập quy hoạch cụ thể; rà soát lại, điều chỉnh quy hoạch giao thông phù hợp với tiến độ thực hiện đề án; bổ sung hiện trạng, tình hình quản lý, sử dụng các công trình thủy lợi tại các xã chưa đạt tiêu chí; có giải pháp, lộ trình thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ; cần bổ sung, đánh giá hiện trạng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các khu công nghiệp, các mô hình sản xuất kinh doanh, đánh giá chợ nông thôn, nhu cầu vốn xây dựng và cách thức huy động vốn…