Tháng bảy. Đồng Lộc. Đó luôn là những tiếng gọi tha thiết đối với những người từng chiến đấu nơi “tọa độ chết” ấy. Và may mắn thay, hôm nay, chúng tôi có cơ hội cùng anh hùng La Thị Tám về lại chiến trường xưa, cùng bà nhớ quá khứ và hướng tới tương lai…
Ca khúc: Người con gái Sông La (nguồn video: NhandanTV).
Anh hùng LLVT nhân dân La Thị Tám sống trong căn nhà nhỏ giữa lòng TP Hà Tĩnh. Bao nhiêu năm, tôi vẫn đi qua ngôi nhà của bà nhưng phải đến kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc, tôi mới có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện và cùng bà trở lại chiến trường Đồng Lộc… Đó là một buổi sáng tinh sương tháng 7, khi trên những triền đồi Đồng Lộc sim đã chín tím rịm, khi trên các lối về Đồng Lộc đã chen kín những trái tim tri ân của nhiều thế hệ…
- Cháu ơi, dừng xe ở đây cho bác một chút!
Bà nói khi xe của chúng tôi chạm ngõ Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
- Đây là rú Mòi phải không ạ?
Đúng rồi cháu, đây chính là nơi mà thuở xưa bác từng chạy lên chạy xuống hàng trăm lần để đếm bom và đi cắm cọc tiêu đó. Từ trên đỉnh rú, dùng ống nhòm có thể nhìn thấy cả biển cháu ạ. Có những lúc, giặc bắn rất nhiều loại bom nổ ngay, nổ chậm, bom bi, bắn cả đạn 20 ly vào nơi bác đứng.
- Có lúc nào khi đi cắm tiêu mà gặp bom nổ không ạ?
- Có chứ, hồi đầu, bác chỉ dám đứng cách điểm xác định có bom 5m, sau đó, bác nghĩ thà hy sinh mà đảm bảo an toàn cho đồng đội nên tiến sát hơn. Có lần bị bom vùi trong đất đá. Lúc ấy, trong suy nghĩ chỉ có lòng căm thù giặc, ý chí chiến đấu chứ không có nỗi sợ hãi nữa.
Bà lặng nhìn rất lâu lên ngọn rú ấy. Chúng tôi cũng lặng lẽ đứng cạnh bên, chỉ sợ làm kinh động đến dòng hồi tưởng của bà. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt của bà. Dẫu đã bị thời gian kéo sụp nhưng “đôi giọt nước sông La” vẫn còn rất tinh anh và ấm áp. Đôi mắt ấy một thời đã “đếm từng loạt bom rơi”, đã phải quan sát thật tinh để biết được hôm nay giặc dội loại bom nào, quả nào đã nổ, quả nào chưa nổ, rơi ở đâu để sau khi địch rời đi thì chạy xuống cắm tiêu. Trong đôi mắt ấy có lẽ đang “chạy” lại những thước phim tư liệu của một thời chiến đấu ngoan cường; có nỗi nhớ nhung đồng đội đã cùng bà chiến đấu, giữ huyết mạch giao thông, nối hậu phương và tiền tuyến…
Bây giờ rú Mòi đã được đặt tên là đồi La Thị Tám. Nơi bom cày đạn dội năm xưa đã chen kín sim mua, nằm lặng lẽ trên lối về Đồng Lộc. Và nếu không được giới thiệu, hẳn nhiều người không hề biết mình vừa đi qua nơi mà nữ anh hùng La Thị Tám đã “vượt lên cái chết”, hiên ngang chiến đấu với quân thù. Nơi đó, trong suốt 200 ngày đêm ròng rã, bà đã đếm và cắm tiêu được 1.205 quả bom, giúp đồng đội thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn.
Tháng 7 tri ân, trong lối rẽ về hiện tại cùng nữ anh hùng La Thị Tám, tôi bỗng thấy mình trong những vần thơ của thi sỹ Huy Cận:
“Con sẽ tìm thăm mời cô La Thị Tám
Từ trường học lại về trận địa đầu non
Đứng giữa đàn bò bê mũm mĩm
Trên sườn núi cao cỏ đã mượt màu xanh
Như mảng da non trên thân thể đang lành
Cô sẽ chỉ con xem
Những hố bom loang lổ
Như đất trên mặt trăng
Mỗi thước vuông ba quả bom to bự
Cô sẽ chỉ con xem
Nghìn vạn điểm lăn bom nổ chậm
Cô từng đến cắm cờ
Mỗi lần chạy đua với cái chết
Đôi chân cô nhanh hơn kíp nổ
Cô là một ngọn cờ đỏ của quê ta
(Ngã ba Đồng Lộc).
Chiến tranh tàn khốc nhưng chiến tranh cũng soi tỏ lòng người. Chẳng có hoàn cảnh nào lại khơi dậy lòng yêu nước, thương nòi hơn các cuộc chiến tranh vệ quốc. Bởi thế mà một thôn nữ nghèo ở xã Vĩnh Lộc (Can Lộc) và bao nhiêu thanh niên thuở ấy đã trở thành anh hùng, đã cùng nhau dâng hiến tuổi xuân, viết nên huyền thoại bất tử nơi Ngã ba Đồng Lộc. Những ngày tháng 7, những trang sử viết về nữ anh hùng La Thị Tám cũng được lật giở nhiều hơn. Hình ảnh cô thôn nữ viết đơn tình nguyện vào bộ đội khi vừa 18 tuổi lại hiện lên thật sinh động trong mường tượng của hậu thế.
Hình ảnh của Anh hùng Lê Thị Tám trong những tháng năm chiến tranh ác liệt tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh tư liệu.
Bà kể: Năm 1967, sau khi viết đơn, bà được bố trí thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị chủ lực Đại đội 2 - GTVT, đóng tại Đồng Lộc. Đơn vị của bà tham gia đảm bảo giao thông thông suốt để chi viện kịp thời sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam trên tuyến quốc lộ 15A. Những năm 1967-1968, đường 15A là một trong những trọng điểm đánh phá khốc liệt nhất, tất cả mọi tuyến đường nối với tiền tuyến đều bị bom dội. Ác liệt là thế nhưng tất cả các lực lượng chiến đấu ở đây đều rất quả cảm. Sự hy sinh của đồng đội không làm bất kỳ ai nao núng tinh thần, ngược lại còn làm tăng ý chí, quyết tâm giữ lấy trái tim Đồng Lộc, đảm bảo thông suốt “mạch máu giao thông” cho các đoàn xe từ hậu phương có thể thông đường ra tiền tuyến.
Khi cánh cổng Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc vừa mở, người đồng đội đi cùng xe chúng tôi - cựu TNXP Bùi Thị Tịnh bất giác cất lên: Ơ, em vừa 18 tròn/ Đẹp như xuân sang/ Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn/ Đạp lên cái chết, dáng em hiên ngang/ Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam. Câu hát dội lên từ tiềm thức, từ sự ngưỡng mộ của người đồng đội đã khiến chúng tôi lặng đi cho đến khi đứng trước Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ngành GTVT ở Ngã ba Đồng Lộc.
Anh hùng Nguyễn Tri Ân (ngoài cùng bên trái), anh hùng La Thị Tám (thứ 3 từ trái sang), anh hùng Uông Xuân Lý (thứ 3 từ phải sang) cùng các cựu thanh niên xung phong Hà Tĩnh: Lương Thị Tuệ, Lê Thị Nhị, Lê Thị Hồng, Nguyễn Thị Bé và nhà thơ Yến Thanh gặp gỡ tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Huy Tùng.
Cũng thật kỳ lạ, anh hùng La Thị Tám nhận lời cùng chúng tôi trở lại Đồng Lộc trong tình trạng sức khỏe không tốt nhưng đến trước đài tưởng niệm 842 anh hùng, liệt sĩ ngành GTVT hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà như khỏe lại. Bước chân bà trở nên nhanh nhẹn và chắc chắn hơn khi bước qua hàng chục bậc thang để thắp hương tưởng nhớ đồng đội.
Cũng tại đây, bà hội ngộ anh hùng Uông Xuân Lý, anh hùng Nguyễn Tri Ân và nhiều cựu TNXP có mặt chiến đấu ở Đồng Lộc thuở ấy. Trong câu chuyện của họ, những địa danh bị đánh phá ác liệt trên “xương sống” của Đồng Lộc một thuở cứ được nhắc đi nhắc lại như: cống 19, cầu Bạng, cầu Tùng Cốc, Ngã ba Đồng Lộc, cầu Tối, eo Truông Kén, cầu ngầm Khe Út… Đó là nơi nhiều đồng đội đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Bởi vậy, cuộc hội ngộ của họ có thật nhiều khoảnh khắc trầm ngâm. Nhìn bàn tay già nua của các anh hùng, các cựu công nhân GTVT, cựu TNXP lần tìm tên đồng đội trên tấm bia khắc tên những người anh hùng; nhìn đôi mắt ngân ngấn nước của họ khi ôn lại một trận đánh nào đó trước giặc thù, chúng tôi cũng lặng đi trong nỗi xót xa.
- Trong những người bác gặp hôm nay, có ai đã từng đi gỡ bom ở chỗ bác cắm tiêu năm xưa không ạ?
- Không cháu ạ, mà thật ra là bác không kịp ghi nhớ, bởi vì có những lúc vừa rời quả đồi, chạy đi cắm tiêu thì địch quay trở lại, bác lại phải chạy lên đài quan sát. Sau này, hòa bình trở lại, người còn, người mất, cơ hội hội ngộ cũng không nhiều.
Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hơn 16.000 người thuộc các lực lượng đã đối mặt, bám trụ các cung đường, chiến đấu kiên cường để giữ trái tim Đồng Lộc. Trong số họ, nhiều người đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tên tuổi của họ trở thành biểu tượng cho quân và dân học tập. Trong đó, cuối năm 1968, chiến sỹ La Thị Tám vinh dự được Bác Hồ gửi tặng Huy hiệu của Người và ngày 22/12/1969, khi vừa tròn 20 tuổi, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tên tuổi và những bức ảnh của bà nổi danh khắp các chiến trường, cổ vũ, động viên tinh thần cho các chiến sỹ nơi tiền tuyến.
- Danh hiệu anh hùng mà chúng tôi vinh dự được trao tặng chính là kết tinh của một tập thể anh hùng. Tôi hay anh hùng nào đó cũng chỉ may mắn là người đại diện cho những chiến tích chung của đồng đội.
Anh hùng La Thị Tám cứ nhắc đi nhắc lại như thế với chúng tôi. Có lẽ vì thế mà bà luôn luôn lặng lẽ. Ngay ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, có rất nhiều đoàn khách là cựu TNXP, cựu chiến binh, Nhân dân và tuổi trẻ cả nước, bà cứ dặn đi dặn lại đừng giới thiệu gì về bà cả. Bà muốn được trở lại nơi này bằng tâm thế của một người đồng đội từng chiến đấu bảo vệ giao thông nơi đây chứ không phải bằng danh hiệu anh hùng. Ngay cả khi đứng nói chuyện với các thanh niên, bà cũng chỉ nhắc tới những ngày tháng khốc liệt ở Đồng Lộc chứ không hề nhắc đến những thành tích cá nhân.
Trưa tháng 7, nắng Đồng Lộc như đượm vàng hơn. Chúng tôi nhìn bà lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế đá dưới hàng cây xanh mát, chuyện trò cùng đồng đội. Phía sau lưng bà, mô hình những quả bom, những hố bom vẫn đang thầm kể với hậu thế câu chuyện của Đồng Lộc một thời hoa lửa. Và chúng tôi, mỗi người một cách, cũng vẫn đang lặng lẽ nghe từ bà những bài học quý giá…, lặng lẽ cùng bà cất lên những bài ca xanh trên vùng đất lửa, để nhớ về quá khứ và hướng tới tương lai…
Thiết kế & Kỹ thuật: Khôi Nguyễn - Thảo Linh