Phạm vi bản quyền sẽ bao gồm nhưng không giới hạn video clips trước trận đấu, trong trận đấu (không gồm phát trực tiếp trận đấu), tổng hợp trận đấu, tổng hợp vòng đấu, top năm bàn thắng đẹp của vòng đấu...
Việc can thiệp, sao chép, cắt ghép, chỉnh sửa... từ nội dung trận đấu hoặc nội dung video clips ở bất cứ nguồn phát hành hay lãnh thổ thành video clip khác, hình ảnh động hay mọi hình thức hiển thị khác để đăng tải trên nền tảng internet và di động khi chưa có sự chấp thuận của DRAV (không bao gồm các trường hợp đã mua bản quyền trực tiếp từ MP&Silva) là hành vi vi phạm bản quyền.
Cũng trong buổi họp báo chiều qua, Tổng Giám đốc Công ty DRAV Nguyễn Thanh Thúy tiết lộ họ: “DRAV đã hợp tác chặt chẽ với trên 10 báo điện tử hàng đầu như các mạng viễn thông và các trang thông tin điện tử tổng hợp trong việc đưa nội dung có bản quyền giải Ngoại hạng Anh tới rộng rãi độc giả một cách thú vị, nhanh chóng và toàn diện.”
Lãnh đạo DRAV cũng lên tiếng giải thích sự khác biệt về gói bản quyền giải Ngoại hạng Anh của họ và gói bản quyền Ngoại hạng Anh của K+: “Sự khác nhau giữa DRAV và K+ là căn bản. K+ độc quyền trên truyền hình trực tiếp, chúng tôi độc quyền trên internet sau trận đấu. K+ có gói trực tiếp còn DRAV có gói khai thác clip. Hai gói hoàn toàn độc lập. K+ hoàn toàn không có quyền cắt clip. Clip trong, sau trận, clip tổng hợp đều thuộc bản quyền DRAV.”
“DRAV là đơn vị duy nhất có quyền khai thác clip Ngoại hạng Anh trên nền tảng di động. Mọi hành vi sao chép khác từ các nguồn khác là vi phạm bản quyền. Nếu các báo điện tử tự cắt clip từ K+ để đăng lên báo thì dù có đàm phán với K+, họ vẫn là đơn vị vi phạm bản quyền.”
Đơn vị này cũng tiết lộ họ hiện đã sở hữu cả bản quyền và phân phối nội dung video clips AFF Suzuki Cup 2016 và vòng chung kết U19 châu Á 2016 - hai giải đấu lớn nhất của bóng đá Việt Nam từ nay tới cuối năm.