"Cứu sống" những đồi chè hàng chục năm tuổi ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trận mưa 208 mm trên địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã tưới mát 400 ha chè và giải cứu hơn 40 ha chè trước nguy cơ chết cháy ở các xã vùng thượng, đồng thời làm dịu cơn khát trên khắp đồng ruộng.

Hàng trăm ha chè nguyên liệu của xã Kỳ Trung được giải khát bởi trận mưa "vàng"

Kỳ Trung được xem là vựa chè của huyện Kỳ Anh với 145 ha chè công nghiệp, trong đó phần lớn là những đồi chè hàng chục năm tuổi, sản lượng trung bình mỗi năm trên 1.500 tấn. Trồng chè ở Kỳ Trung không lo bão, lụt nhưng rất kỵ hạn hán vì xã hoàn toàn không có nước thủy lợi, nguồn nước tưới chỉ dựa vào một số hồ đập nhỏ trên địa bàn.

Hơn 10 năm nay, các xã vùng thượng Kỳ Anh mới gặp trận nắng hạn khắc nghiệt như thế này. Tuy nhiên, nhờ trận mưa này, Kỳ Trung có 80 ha chè bị hạn nặng sẽ phục hồi, trong đó cứu khoảng 7 - 8 ha có nguy cơ chết cháy; toàn xã vẫn còn khoảng 7 ha không thể phục hồi.

Cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Chè Hà Tĩnh kiểm tra các vùng chè bị ảnh hưởng của nắng nóng ở xã Kỳ Thượng

Còn tại xã Kỳ Thượng, nhiều hộ trồng chè chia sẻ, càng về cuối đợt nắng nóng, 60 ha chè ở khu vực không có nước tưới, tàn lụi trông thấy từng ngày. Thấp thỏm cầu trời, đến chiều 2/7, người dân bắt đầu được đón mưa với niềm vui khôn xiết.

Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Nguyễn Xuân Việt cho biết: "Trận mưa đã cứu 30 ha chè đang có nguy cơ chết cháy và tưới mát cho gần 200 ha chè trên địa bàn. Nhờ có mưa, diện tích không thể khôi phục hiện chỉ thu hẹp ở khoảng 6 ha chè mới trồng".

Người dân các xã vùng thượng Kỳ Anh vui mừng đón mưa cùng cây chè và đang chờ đất ráo sẽ tiến hành chăm sóc phục hồi. Gặp ông Nguyễn Xuân Luyn ở thôn Đất Đỏ xã Kỳ Trung đi thăm chè giữa cơn mưa, được biết, 27 sào chè công nghiệp của gia đình đã được "giải khát".

Những cây chè của gia đình ông Nguyễn Xuân Luyn đã được cứu sống khi có trận mưa "vàng"

“Sau đợt mưa, gia đình tôi sẽ tiến hành cắt tỉa những cành cây bị cháy và tiến hành xới đất, tấp tủ gốc để giữ độ ẩm cho cây trồng. Tiếp đó, sẽ bắt đầu giai đoạn chăm sóc phục hồi cho chè theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật”, ông Luyn cho biết.

Một trong những biện pháp đầu tiên giúp những cây chè còn có thể phục hồi sau hạn, đó là cắt bỏ triệt để những cành cây đã bị cháy khô

Theo lãnh đạo các xã vùng thượng Kỳ Anh, mặc dù cơn mưa "vàng" đã giúp các địa phương giảm đáng kể thiệt hại của cây chè, nhưng qua đợt hạn với cường độ nắng nóng gay gắt, kéo dài đang đặt ra cho người trồng chè cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương bài toán chống hạn lâu dài cho cây trồng chủ lực này.

Trên thực tế, người trồng chè vùng thượng có đến 10 năm không đối diện với hạn hán lớn nên nên chưa thực sự coi trọng các giải pháp chủ động nguồn nước tưới. Gia đình ông Hà Văn Phen, bà Phạm Thị Tiến ở thôn Đất Đỏ (Kỳ Trung), đến lúc chứng kiến 13 sào chè mà nhiều thế hệ gia đình bà gây dựng bị xóa sổ dần thì mới tìm thợ khoan giếng.

Theo bà Tiến tính toán, trong 1 tháng khô hạn, số lượng sản phẩm bà nhập cho doanh nghiệp chỉ đạt 1/3 so với bình thường. Thiệt hại sẽ còn lớn hơn bởi phải mất 3 tháng trời chăm sóc thì những diện tích chè còn sống mới lấy lại được năng suất như trước, đồng thời gia đình còn phải đầu tư không dưới 20 triệu đồng để trồng lại số chè bị chết cháy.

Như vậy, dù số tiền khoan giếng, mua máy bơm và trang bị hệ thống ống dẫn nước phải đến 20 triệu đồng thì cũng chưa lớn bằng con số thiệt hại của gia đình trong đợt hạn hán nặng nề vừa qua.

Chỉ khi nhiều diện tích chè bị chết cháy, gia đình ông bà Hà Văn Phen - Phạm Thị Tiến ở xã Kỳ Trung mới tính đến việc khoan giếng chống hạn

Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Trung Nguyễn Văn Dương, số tiền hàng chục triệu đồng đầu tư để chống hạn cho chè đối với mỗi hộ là khá lớn, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ cho bà con. Xã đã đề xuất các cấp, ngành xem xét hỗ trợ trước mắt đối với những gia đình thiệt hại nặng, đồng thời hướng chính sách hỗ trợ phát triển cây chè sang hạng mục đầu tư hệ thống bơm tưới nhằm đảm bảo được sự phát triển bền vững cho cây trồng chủ lực của địa phương.

Trưởng phòng NN&PTNT Kỳ Anh Lê Văn Trọng cho biết: Trận mưa đã bổ sung nguồn nước cho gần 4.500 ha lúa hè thu trên toàn huyện, đồng thời giúp bà con các xã vùng thượng có thể xuống giống các loại đậu, vừng hè thu trên diện tích lạc xuân đã thu hoạch. Mưa chưa quá lớn nên không gây ngập lụt ở các vùng nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, đối với một số vùng bị thiếu nước sinh hoạt ở các xã: Kỳ Lạc, Kỳ Tây, Kỳ Trung, trận mưa đã giúp bà con tích trữ được một số lượng nước đáng kể ở các bể, lu chứa nước để sử dụng, dự phòng tình trạng nắng nóng tái diễn.

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói