Cụ thể, trong quý 3/2018, Facebook có 278 triệu người dùng hàng ngày (DAU) tại châu Âu, giảm 1 triệu người dùng so với con số 279 triệu người dùng trong quý 2/2018. Trong khi đó, số người dùng hàng tháng (MAU) cũng giảm tương ứng từ 376 triệu xuống 375 triệu người dùng.
Điều này cho thấy số người sử dụng Facebook tại châu Âu đang có xu hướng giảm, thậm chí lượng người dùng này đã quay lưng và rời bỏ Facebook.
Mặc dù số người dùng hàng ngày bị giảm tại châu Âu, nhưng nếu tính chung trên trên thế giới, con số này vẫn tăng nhẹ lên 1,5 tỷ người dùng trong quý 3/2018, so với con số 1,47 tỷ người dùng trong quý 2 năm nay.
Theo các chuyên gia, trong năm nay, Facebook đã làm dấy lên một làn sóng kích động sau bê bối lạm dụng dữ liệu của hàng triệu người dùng, trong đó bao gồm những người dùng tại châu Âu. Đặc biệt là vụ để lộ thông tin của gần 30.000 triệu người dùng từ tháng 7/2017 đến tháng 9/2018 bị phát hiện gần đây đã khiến Facebook ngày càng trở nên tồi tệ.
Không những thế, hồi tháng 3/2018, Facebook đã dính đến bê bối khi để Cambridge Analytica tiếp cận trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016. Chính những bê bối này đã khiến số người sử dụng Facebook tại châu Âu đang có xu hướng giảm nhanh.
Và không chỉ tại châu Âu, ngay tại Mỹ, càng ngày càng có ít người đọc và chia sẻ tin tức qua Facebook bởi vấn nạn “tin giả”. "Đó là một trong những xu hướng quan trọng của báo chí năm 2018" - Viện nghiên cứu Báo chí Reuters (Viện Reuters) đã khẳng định trong báo cáo thường niên của Viện này, được công bố hồi tháng 6/2018 vừa rồi.
Theo Viện nghiên cứu này, trong những năm trở lại đây, công chúng đang có xu hướng thay đổi mạnh mẽ thói quen tiếp cận thông tin theo kiểu truyền thống sang các phương tiện truyền thông số, trong đó có mạng xã hội. Báo cáo năm 2018 của Viện Reuters chỉ ra: Việc sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, như một nguồn thông tin tăng trưởng không ngừng trong bảy năm qua. "Tuy vậy, sự tăng trưởng này đã dừng, hoặc thậm chí đi ngược lại”, báo cáo viết.
Thay vì Facebook, các chuyên gia của Viện Reuters chỉ ra rằng độc giả chuyển dịch sang các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp hay Messenger để chia sẻ và thảo luận thông tin với nhau.
“Ở một số quốc gia như Mỹ hay Nhật Bản, người dùng có phần thoải mái hơn khi bày tỏ quan điểm về chính trị, đặc biệt là các quan điểm trái chiều với người thân và bạn bè, hơn là ở một mạng xã hội lớn như Facebook. Đây là một lý do nữa để Facebook "mất điểm" với người dùng.”, Tiến sĩ Antonis Kalogeropoulos từ Viện Reuters và là một trong những tác giả của báo cáo, cho biết.