Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh thảo luận tổ về sửa đổi một số luật

(Baohatinh.vn) - Các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh đã tích cực thảo luận, đóng góp nhiều nội dung quan trọng.

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, chiều 10/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi) và báo cáo về sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh tích cực thảo luận đóng góp nhiều nội dung quan trọng.

Quy định rõ lộ trình, nguồn lực thực hiện lưu trữ

Đánh giá kết quả và hạn chế trong quá trình thực thi, các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh nhất trí cần sửa đổi Luật Lưu trữ nhằm khắc phục kịp thời những tồn tại, vướng mắc của luật hiện hành, đổi mới hoạt động quản lý, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh phát biểu thảo luận.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), các đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định có liên quan, tạo cơ sở pháp lý, phát huy tốt hơn giá trị của tài liệu lưu trữ tư; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân đối với tài liệu lưu trữ tư. Phân định rành mạch giữa tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt không phải là bảo vật quốc gia và tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quản lý đối với tài liệu lưu trữ tư.

Bổ sung quy định các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ; quy định rõ lộ trình, nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác liên quan đến lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; quy định về thời hạn, nguyên tắc và điều kiện cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề lưu trữ; cần có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước về lưu trữ.

Phát triển Thủ đô đảm bảo phân quyền toàn diện

Các đại biểu cho rằng, Luật Thủ đô là luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Việc sửa đổi luật nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh. Đồng thời, phải bám sát các cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô; có các cơ chế, chính sách đặc thù, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực.

Bà Phan Thị Nguyệt Thu - Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh phát biểu thảo luận.

Các đại biểu đã thảo luận về mô hình tổ chức chính quyền đô thị cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động; nội dung phân quyền cho chính quyền thành phố; các cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô như: quy hoạch, đô thị, văn hóa, thể thao, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, đất đai, nhà ở, giao thông, nông nghiệp, nông thôn, trật tự, an toàn xã hội và các chính sách về tài chính, ngân sách, huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.

Các đại biểu đề nghị đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại cả 3 địa phương (thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng); quy định đổi mới phương thức hoạt động của hội đồng nhân dân thành phố, quận, thị xã; bổ sung các biện pháp tăng cường về số lượng, cơ cấu đại biểu. Xác định nguyên tắc về điều kiện, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù trên địa bàn thành phố.

Cùng tham gia thảo luận tại tổ, đối với dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh đề nghị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, phát triển Chính phủ điện tử; quy định điều kiện, trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật trong quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu về tài liệu lưu trữ; quy định tài liệu lưu trữ cấp xã thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước cấp tỉnh.

Đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu thống nhất về tổ chức chính quyền đô thị và đề nghị cần bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương về xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại; bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia, đồng thời là đô thị đặc biệt; xác định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí và lượng hóa tối đa các chính sách ưu tiên, đặc thù áp dụng cho Thủ đô; rà soát hoàn thiện quy định mối quan hệ liên kết giữa Thủ đô với chính quyền địa phương giáp ranh; bổ sung các quy định mang tính đột phá về chế độ công vụ, biên chế và chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực.

Thu hút các nhà đầu tư chiến lược nên tập trung vào những lĩnh vực thành phố Hà Nội có lợi thế như nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói