Nhớ mãi kỷ niệm 3 lần được gặp Bác Hồ
Ở tuổi 96, trong nhiều câu chuyện về cuộc đời của mình có lúc nhớ lúc quên thế nhưng khi nhắc đến những kỷ niệm gặp Bác Hồ, ông Nguyễn Trọng Cầu vẫn nhớ như in từng chi tiết.
Những lần trò chuyện cùng con cháu, ông Cầu vẫn thường nhắc lại những kỷ niệm 3 lần gặp Bác Hồ.
Ông kể: “Lần đầu tiên đó là năm 1958, khi tôi đang giảng dạy tại Trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương. Hôm đó, Bác đến rất bất ngờ, sau khi đi thăm nơi ăn ở của học viên, Bác nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên trong trường. Lúc đó tim tôi đập nhanh lắm, tôi không nghĩ cuộc đời mình lại có được cơ hội nghe Bác nói thật gần như thế này. Tôi nghĩ có lẽ Bác sẽ nói điều gì đó cao xa lắm, nhưng không, Bác mở đầu chỉ bằng mấy câu thơ trong quyển Tam Tự Kinh của Trung Quốc “Nhân chi sơ, tính bản thiện/ Tính tương cận, tập tương viễn...”.
Rồi Bác phân tích ấy là con người sinh ra bản tính ban đầu vốn thiện và tốt lành, khi lớn lên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội mà tính tình trở nên thay đổi, tính ác có thể phát sinh, do đó cần phải luôn được giáo dục, giữ gìn và rèn luyện cho đời sống lành mạnh thì tính lành mới giữ được và phát triển, để tính dữ không có điều kiện nảy sinh. Chỉ thế thôi nhưng tôi nhớ mãi và lấy đó làm điều để răn dạy bản thân”.
Trong tủ sách của ông Cầu luôn có nhiều cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chỉ 2 năm sau đó, vào năm 1960 khi đang học Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc (tên gọi của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thời điểm đó), ông Cầu tiếp tục được là học viên nghe Bác căn dặn việc chăm học tập, rèn luyện tư tưởng để tiến lên xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa.
Tiếp đó, vào năm 1963, khi ông đang nghiên cứu chuyên đề tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (tên gọi của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thời điểm đó), Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - Lưu Thiếu Kỳ sang thăm Việt Nam và được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc để nói chuyện về tình hữu nghị Việt - Trung.
Bồi hồi khi nhắc đến kỷ niệm những lần gặp Bác, ông Cầu nhớ mãi lời Bác căn dặn
Ông Cầu bồi hồi: “Cách Bác nói chuyện thật ân cần, gần gũi nhưng cũng rất uyên bác, ý nhị. Phong thái giản dị và tình cảm nồng ấm của Người đã in đậm vào ký ức cuộc đời tôi, trở thành động lực thúc đẩy tôi càng phải sống và làm việc thật xứng đáng với lời dạy của Người”.
Sau 3 lần gặp đó, ông Cầu còn được gặp Bác thêm một lần cuối cùng vào năm 1969. Lần gặp Bác mà ông không hề mong muốn!
Giọng nói như lạc đi, ông kể: “Năm 1969, tôi cùng đoàn cán bộ Đại học Vinh ra họp tại Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), cũng lúc đó biết tin Bác mất. Họp xong, tôi được cùng đoàn cán bộ của Bộ Quốc gia Giáo dục đến viếng Người. Chỉ mấy giây đi qua nhìn Bác lần cuối, lòng tôi lúc đó hụt hẫng, trái tim như bị ai bóp nghẹt”.
“Học không bao giờ thừa”
Ông Nguyễn Trọng Cầu sinh ra trong gia đình có cha làm nghề dạy học, mẹ làm ruộng. Năm 1930 cha của ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh rồi bị thực dân Pháp truy nã.
Tình cảnh đó khiến cả gia đình ly tán, ông Cầu, mẹ và các chị được làng xóm, anh em họ ngoại cưu mang, còn người cha phải thoát ly ở Thái Lan, mãi 30 năm sau (năm 1960) mới trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Hình ảnh lưu niệm đại gia đình ông Nguyễn Trọng Cầu.
Năm 1936, mẹ con ông Cầu được bà con giúp làm 2 gian nhà tre tại thôn Đình Cương, xã Trung Lộc. Cũng lúc đó ông Cầu mới được đi học trường làng. Thế nhưng điều kiện khó khăn nên ông chỉ được học chữ đến hết lớp 3.
Bởi có vốn chữ nghĩa lại ham học hỏi, nhiệt tình trong các hoạt động vì vậy ông Cầu được tham gia đội tự vệ thôn, Ban Chấp hành thanh niên cứu quốc xã. Năm 1945, ông cùng với người dân địa phương tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.
Với những đóng góp trong công tác khuyến học, giáo dục, ông Cầu được nhận nhiều bằng khen, giấy khen.
Năm 1947 - 1953, ông được tuyển vào làm công nhân Nhà in tỉnh Hà Tĩnh rồi điều chuyển công tác về làm chuyên viên tại Huyện ủy Can Lộc, sau đó Trường cấp II Đặng Dung (xã Tùng Lộc, Can Lộc).
Cũng trong quãng thời gian này ông Cầu vừa làm vừa học bổ túc văn hóa và được kết nạp vào Đảng vào năm 1949. Trải qua nhiều khóa học, đào tạo, từ năm 1957 - 1959 ông trở thành giáo viên giảng dạy văn hóa tại Trường Bổ túc công nông Trung ương đóng tại Giáp Bát, Hà Nội. Sau đó, ông trở về dạy lý luận chính trị, làm cán bộ quản lý tại Trường Đại học Vinh cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1986.
Tinh thần tự học của Bác Hồ là động lực soi sáng cuộc đời của người đảng viên cao tuổi Nguyễn Trọng Cầu.
Ông Cầu chia sẻ, chính từ những lần được gặp Bác, những câu chuyện kể, cuốn sách viết về Bác Hồ đã trở thành động lực soi sáng cho cuộc đời của người đảng viên cao tuổi.
Ông Cầu bộc bạch: “Vốn con nhà nghèo, nhờ có cách mạng, nhờ có Bác mà được đi học bởi vậy tôi luôn nhắc mình phải nghiêm túc, trách nhiệm với việc học. Tôi cũng học được nơi Bác tính tự học, tự nghiên cứu và làm giàu kiến thức của mình; học ở mọi lúc, mọi nơi và học ở mọi người”.
Ngay cả khi đã nghỉ hưu, ông Cầu vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học xã Trung Lộc; từng là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học xã giai đoạn 2000 - 2010.
Ông luôn nhắc nhở, căn dặn con cháu tích cực học tập, tự học.
Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Can Lộc Trần Đình Sửu cho biết: “Ông Cầu đã có hơn 30 năm tham gia hoạt động hội. Thời điểm là cán bộ hội, ông luôn tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc; khi tuổi đã cao ông vẫn là hội viên gương mẫu, thường xuyên có nhiều đóng góp xây dựng tổ chức hội, thực hiện công tác khuyến tài. Nhiều năm nay, mỗi tháng ông Cầu trích một phần tiền từ lương của mình, gom góp để trao tặng các em nhỏ hiếu học trong xã. Riêng tết năm 2020, ông dành 10 triệu đồng - số tiền con cháu biếu ông để trao tặng các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học trong xã”.
Bây giờ dù tuổi đã cao, mắt mờ, chân chậm, nhưng ngày ngày ông Cầu vẫn luôn dành thời gian để nghe đài, đọc sách báo. Ông bảo: “Người già thì mắt có thể mờ nhưng không thể mờ kiến thức, nên mỗi ngày còn khỏe mạnh là tôi còn đọc sách, báo để biết những thông tin, kiến thức mới”..
Lãnh đạo huyện Can Lộc trao giấy khen vinh danh ông Nguyễn Trọng Cầu là điển hình học và làm theo Bác của huyện Can Lộc giai đoạn 2016 - 2021.
Ông cũng luôn răn dạy, nhắc nhở các con cháu về tính tự học, gặp gỡ từng giáo viên để nắm bắt kết quả học tập của các cháu... Ông Cầu có 6 người con, 4 trai 2 gái; các con cháu chắt đều ngoan, đỗ đạt cao. Gần đây nhất, em Nguyễn Công Sơn (cháu nội của ông Cầu) là thủ khoa đầu vào chuyên Toán, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh năm 2020 - 2021.
Anh Nguyễn Tiến Thông - con trai ông Cầu chia sẻ: “Từ ông nội đến cha tôi luôn là người rộng lượng, bao dung, có lối sống khoa học, kỷ luật và luôn vì mọi người. Tôi nhớ mãi lời cha dạy các con cháu rằng, học không bao giờ thừa, tiền tiêu từng nào cũng hết nhưng tiêu chữ sẽ ra tiền và có ích cho xã hội. Những năm gia đình còn đói khổ, cha vẫn động viên anh em chúng tôi học chữ”
Gia đình ông Cầu luôn đi đầu trong đóng góp xây dựng NTM tại địa phương.
Và nay, hòa vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông Cầu cùng các con cháu vẫn luôn đi đầu trong tham gia các phong trào ở thôn Đình Cương. Gia đình ông từng đóng góp hơn 16 triệu đồng xây dựng, tu bổ đường dây điện của thôn.
Ở tuổi 96, dẫu không thể tham gia các phong trào, hoạt động như trước, nhưng ông Cầu vẫn luôn là cây cổ thụ tỏa bóng mát cho thế hệ sau, cho các con cháu noi theo và học tập.
Gia đình ông Cầu là gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương, bản thân ông là thầy giáo về hưu luôn sống gương mẫu, răn dạy con cháu hiếu thảo, làm việc có ích cho xã hội. Ông là người tâm huyết, trách nhiệm với công tác khuyến học, khuyến tài của xã, cũng là pho sử sống của người dân Trung Lộc khi muốn tìm hiểu những câu chuyện về Bác Hồ.
Ông từng được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, bằng khen do Trung ương Hội Cựu giáo chức trao tặng... và là điển hình học và làm theo Bác của huyện Can Lộc giai đoạn 2016 - 2021”.