Dấu hiệu vào buổi sáng cảnh báo bệnh tiểu đường

Thường xuyên thấy khô miệng, mắt mờ, buồn nôn vào buổi sáng là triệu chứng hay gặp của các bệnh nhân tiểu đường.

Bệnh tiểu đường thường được gọi là kẻ giết người thầm lặng do tác động nghiêm trọng đến hoạt động chung của cơ thể. Bệnh dần gây ra các biến chứng dẫn đến các vấn đề về tim, tổn thương thận, thị lực. Có rất nhiều triệu chứng nhận biết bệnh tiểu đường nhưng dễ nhầm lẫn với các bất ổn sức khỏe khác.

Tiến sĩ người Ấn Độ BM Makkar, bác sĩ chuyên khoa tiểu đường giải thích: “Đôi khi những triệu chứng này rất khó phát hiện và khó phân biệt với các bệnh khác. Do đó, điều cần thiết là phải làm quen với các triệu chứng liên quan đến bệnh tiểu đường, xác định các tín hiệu do cơ thể tạo ra khi một người mắc bệnh”.

Theo Times of India, một số dấu hiệu vào buổi sáng cảnh báo lượng đường trong máu cao:

Khô miệng

Khô miệng là vấn đề hay gặp, nhanh khỏi nhưng cũng có thể là dấu hiệu của tiểu đường. Ảnh minh họa: Ezza

Nếu bạn thường xuyên bị khô miệng hoặc cảm thấy rất khát nước ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng, hãy coi đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường và đi kiểm tra lượng đường trong máu.

Các biểu hiện cụ thể là đau miệng, môi nứt nẻ, lưỡi khô ráp, nhiễm trùng, loét khoang miệng, khó nuốt, khó nhai.

Hiện chưa biết chính xác nguyên nhân gây khô miệng ở bệnh nhân tiểu đường nhưng khả năng cao do lượng đường trong máu tăng làm chậm quá trình sản xuất nước bọt.

Buồn nôn

Một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường là nhiễm toan ceton, xảy ra khi cơ thể bệnh nhân sản sinh quá nhiều axit trong máu (được gọi là ceton). Dấu hiệu của tình trạng nhiễm toan ceton là buồn nôn, nôn, khát nước, khô miệng…

Hầu hết các trường hợp, buồn nôn là cảm giác vô hại và chỉ xảy ra trong chốc lát. Tuy nhiên, nếu đi kèm với các triệu chứng bổ sung, hiện tượng này chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng hơn như bệnh tiểu đường.

Bạn nên kiểm tra đường huyết khi có một số triệu chứng lâm sàng. Ảnh: CFM

Mắt mờ

Khi mắc tiểu đường, người bệnh sẽ có triệu chứng mờ mắt, giảm thị lực. Nguyên nhân là lượng đường trong máu cao làm cho thủy tinh thể bị sưng, thay đổi khả năng nhìn của bạn.

Tiến sĩ Makkar cho biết, sau khi lượng đường trong máu ổn định, thị lực của bạn sẽ trở lại bình thường.

Biến chứng tiểu đường ở mắt đặc trưng nhất là bệnh võng mạc đái tháo đường, ngoài ra còn có phù hoàng điểm, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.

Các triệu chứng khác

Nếu bạn có cảm giác mất phương hướng, choáng váng, mệt mỏi và tê chân khi thức dậy, đó có thể là tín hiệu báo động về sự dao động nồng độ đường trong máu. Những thay đổi này thường được coi là bình thường, dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, nếu xuất hiện thường xuyên và có nhiều biểu hiện cùng lúc, bạn phải lưu ý tới nguy cơ bị tiểu đường.

Theo VNN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói