Cuối tuần, khi đứa cháu 12 tuổi từ quê lên thành phố chơi, tôi đã đưa cháu đi mua sách. Nhà sách lớn với đủ loại sách truyện đa dạng, mẫu mã bắt mắt đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cháu tôi và những đứa trẻ khác. Song, nhanh chóng đập vào mắt tôi là kệ sách được gắn bảng “sách đam mỹ 18+” (loại sách dành cho người đọc trên 18 tuổi, nói về tình yêu nam - nam).
Cầm những cuốn sách đam mỹ này trên tay, tôi càng thêm bất ngờ bởi những tiêu đề sách khá “gợi” như: “Trở thành chàng vợ làm nền của nhân vật phản diện”, “Cắn lên đầu ngón tay anh”, “Thế giới tuyệt đối cong với chàng trai tuyệt đối thẳng”… Ngoài trang bìa, những hình ảnh miêu tả một số hành động thân mật giữa nam với nam cũng được thể hiện qua các nét vẽ… Bên cạnh đó, các cuốn truyện này còn đi kèm với lời giới thiệu khá mùi mẫn ở phía sau bìa, nhằm kích thích sự tò mò của bạn đọc.
Tôi ngạc nhiên vì loại sách này được đặt ở vị trí khá dễ nhìn và dễ dàng thu hút sự quan tâm của độc giả, đặc biệt là thiếu nhi, trẻ vị thành niên. Theo tôi, việc bày loại sách này ở vị trí như vậy là thiếu tinh tế và thiếu trách nhiệm. Bởi dù đã được “dán nhãn”16+ hoặc 18+ song không phải độc giả nhí nào cũng có thể phân biệt được sách nào phù hợp với lứa tuổi, sách nào không. Những đứa trẻ với sự tò mò vốn có rất dễ bị cuốn hút bởi những hình ảnh khêu gợi và nội dung mới mẻ của sách đam mỹ, dù chúng chưa đủ tuổi để hiểu hết ý nghĩa của loại sách này.
Không chỉ tôi mà nhiều phụ huynh khác khi đưa con tới nhà sách cũng khá “hoảng hốt” bởi các sách đam mỹ 18+ được đặt ở vị trí như vậy. Dù rằng, hiện nay, xã hội đã có quan điểm thoáng hơn về tình yêu đồng tính (nam - nam, nữ - nữ)… tuy nhiên, bên cạnh những giá trị nhân văn cần được tôn trọng, tình yêu này cũng trở thành công cụ để khai thác, biến tướng, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa phẩm. Đối với các em nhỏ, khi tiếp xúc với những nội dung không phù hợp với lứa tuổi có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, làm méo mó nhận thức về tình yêu, giới tính và các mối quan hệ xã hội…
Việc bày bán sách đam mỹ 18+ ở những vị trí đắc địa trong nhà sách - nơi vốn được xem là "thiên đường tri thức" của trẻ em đã đặt ra trong tôi một dấu hỏi lớn về trách nhiệm của người lớn. Liệu bao nhiêu người đã thờ ơ khi bắt gặp những cuốn sách ấy, thờ ơ khi đam mỹ 18+ lại dễ dàng lọt vào tầm mắt của con em mình?
Tôi đã đem chuyện này kể với mấy chị bạn, họ đều tỏ ra không hài lòng về cách sắp xếp của nhà sách. Họ cũng chia sẻ về cách hướng dẫn con cháu tìm đọc các loại sách phù hợp. Cùng đó, họ sẽ giải thích cho con trẻ hiểu về nội dung sách đam mỹ, định hướng văn hóa đọc để con có sự lựa chọn đúng đắn nhất.
Trên hành trình khám phá thế giới, trẻ em cần được bảo vệ khỏi những tác động tiêu cực của thông tin độc hại. Tôi cho rằng, nhà sách với vai trò là cầu nối giữa tác phẩm và độc giả cần có trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn và sắp xếp sách phù hợp vị trí.
Còn phụ huynh cần dành thời gian hướng dẫn con em lựa chọn những cuốn sách thích hợp. Cùng đó, các cơ quan quản lý cần siết chặt quy định về xuất bản, phát hành sách, đặc biệt là đối với những ấn phẩm dành cho lứa tuổi vị thành niên.
Song song đó, việc giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ nhỏ là vô cùng quan trọng. Khi được trang bị những kiến thức đúng đắn, các em sẽ có khả năng tự bảo vệ trước các thông tin sai lệch và nguy hiểm. Tôi tin rằng, đây là một giải pháp lâu dài và bền vững để xây dựng một thế hệ trẻ phát triển toàn diện.